ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THAM NHŨNG, CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG VÀ DỰ BÁO TÌNH HÌNH

Đăng ngày: 27-12-2019 | Lượt xem: 21616
Thực hiện Công văn số 6383/BTNMT-TTr ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và môi trường về việc báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) quý IV và năm 2019, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) báo cáo công tác PCTN quý IV và năm 2019

1. Đánh giá tình hình tham nhũng

Công tác PCTN trong Tổng cục là nhiệm vụ được Đảng ủy và Lãnh đạo Tổng cục luôn quan tâm triển khai thực hiện. Trong các buổi họp giao ban việc quán triệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để góp phần nâng cao được ý thức, trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động; công tác phòng, chống tham nhũng luôn được tập trung trao đổi, thảo luận kỹ, từ đó hạn chế được hành vi tham nhũng trong toàn cơ quan, đơn vị. Tại thời điểm báo cáo chưa có trường hợp nào vi phạm về tham nhũng.

Quý IV và năm 2019, Tổng cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác; công chức, viên chức đều yên tâm công tác, không phát hiện trường hợp tham nhũng. Các công chức, viên chức đều đồng tình và nghiêm túc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, góp đẩy mạnh phong trào đấu tranh PCTN trong toàn Tổng cục.

2. Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng

a. Đánh giá chung về hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý

Tổng cục đã đề ra nhiều biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác PCTN như: Cấp ủy Đảng và Lãnh đạo Tổng cục thường xuyên quan tâm đến việc PCTN trong toàn cơ quan, luôn xem đây là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Tổng cục trong sạch, vững mạnh, tạo mối đoàn kết và phát huy tinh thần phê và tự phê trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong công tác PCTN, phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu của các tổ chức đảng và từng đảng viên. Bên cạnh việc thường xuyên quan tâm chỉ đạo sát sao, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong công tác PCTN cũng thường xuyên được chỉ đạo triển khai thực hiện, thông qua đó đã có tác dụng kịp thời đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Tổng cục; đến thời điểm báo cáo chưa phát hiện cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham nhũng.   

b. Đánh giá những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN

Công tác PCTN ở Tổng cục vẫn còn có những khó khăn, do địa bàn quản lý rộng trên phạm vi cả nước nên việc kiểm tra, giám sát thực hiện Luật PCTN tại các đơn vị có phần hạn chế.

3. Dự báo tình hình tham nhũng

Công tác PCTN được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tổ chức triển khai thực hiện hàng năm và dài hạn trong toàn Tổng cục; theo chức trách, nhiệm vụ được giao, Tổng cục sẽ xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khi thực thi nhiệm vụ.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CỦA CÔNG TÁC PCTN TRONG KỲ TIẾP THEO

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng tại đơn vị, Tổng cục KTTV sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN tại cơ quan, đơn vị, các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp có sử dụng ngân sách Nhà nước.

- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động KTTV thông qua việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến KTTV, các văn bản định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các lĩnh vực KTTV góp phần minh bạch hóa các hoạt động KTTV.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền về công tác phòng, chống tham nhũng cho toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức trong cơ quan nhằm nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, nâng cao vai trò của cán bộ, viên chức tham gia phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Thực hiện công khai, minh bạch việc quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, tuyển dụng, công chức, viên chức cũng như việc xử lý, kỷ luật, công chức, viên chức. Tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn nữa vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống quy chế, quy định cho phù hợp, đảm bảo cho công tác lãnh đạo, quản lý hiệu quả.

- Tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018; Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát định kỳ hoặc đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện cấp trên kiểm tra, giám sát, thanh tra cấp dưới và cấp dưới giám sát cấp trên, giám sát chéo giữa các cơ quan, đơn vị; thực hiện công khai minh bạch và giải trình theo quy định khi có yêu cầu về tiêu chuẩn, quy trình thủ tục và hồ sơ nhân sự, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; thường xuyên tự kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm, sai sót trong công tác cán bộ; thực hiện tốt chế độ công vụ.

- Tiếp tục thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, thực hiện tốt việc giải quyết đơn thư tố cáo về tham nhũng, lãng phí thuộc thẩm quyền của Tổng cục theo quy định; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy chế dân chủ, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, viên chức…

Tổ chức cán bộ

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: