Trách nhiệm các Bộ trong tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục

Đăng ngày: 31-08-2020 | Lượt xem: 1666
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc, quản lý phát triển cấp nước sạch vẫn còn một số hạn chế như: thể chế về cấp nước sạch còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tầm quan trọng đặc biệt của nước sạch; công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, có nơi còn buông lỏng dẫn đến nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn về nguồn nước, chất lượng nước, tính liên tục trong cấp nước ...

Một số sự cố cấp nước ở các đô thị lớn chưa được kiểm soát, xử lý kịp thời, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Trách nhiệm của các Bộ, Ban, Ngành trong vấn đề nước sạch:

Bộ Xây dựng:

- Nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Luật Quản lý cấp nước sạch vào năm 2022;

- Rà soát, nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007, Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011, hoàn thành năm 2021. Trong đó tập trung vào các nội dung như: bảo đảm an ninh, an toàn sản xuất, cung cấp nước sạch từ nguồn nước, nhà máy sản xuất, mạng lưới truyền tải và phân phối nước; hợp đồng cung cấp dịch vụ cấp nước sạch, hợp đồng dịch vụ cấp nước và thủ tục đấu nối nước sạch; rà soát, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm soát việc bảo đảm an toàn nguồn nước, công trình cấp nước trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư cấp nước;...

- Xây dựng đề án thành lập cổng thông tin giám sát trực tuyến về chỉ số cấp nước và chất lượng nước sạch của các hệ thống cấp nước; chia sẻ dữ liệu giữa Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cấp nước (tích hợp dữ liệu quan trắc chất lượng nguồn nước nguyên liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường), thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; phối hợp với cơ quan quản lý chuyên môn tại địa phương giám sát trực tuyến các hệ thống cấp nước trên địa bàn và phối hợp chính quyền địa phương xử lý khi xảy ra sự cố;

- Nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án tăng cường quản lý nhà nước về cấp nước khi thực hiện chủ trương xã hội hóa (thực hiện theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020); trong đó đề xuất mô hình đầu tư, quản lý, vận hành, giám sát đối với hệ thống sản xuất, cung cấp nước đô thị để vừa huy động được nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, vừa bảo đảm việc điều hành, quản lý của nhà nước, khắc phục tình trạng phân khúc, độc quyền cung cấp nước theo địa bàn;

- Xây dựng đề án thống nhất quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và nông thôn và mô hình cấp nước sạch liên tỉnh, liên vùng;

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá về cấp nước; xây dựng tiêu chí đánh giá và quy định chứng nhận công trình bảo đảm cấp nước an toàn;

- Rà soát, xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật về sử dụng vật tư, thiết bị, công nghệ và quản lý vận hành công trình cấp nước;

- Nghiên cứu, đánh giá điều kiện kinh tế, kỹ thuật và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn tại vùng ven biển, hải đảo và vùng Đồng bằng sông Cửu Long;

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn theo Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2016 và thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước của đơn vị cấp nước tại các địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn cho cộng đồng;

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, lập danh mục các công trình cấp nước quan trọng có quy mô công suất lớn, phạm vi cấp nước rộng; xây dựng phương án kiểm soát bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước bao gồm nguồn nước, nhà máy nước, hệ thống truyền tải nước sạch và đề xuất phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra việc lập, thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn công trình cấp nước tập trung nông thôn; Nghiên cứu lồng ghép nội dung bảo đảm cấp nước an toàn trong các chương trình, dự án về cấp nước sinh hoạt nông thôn;

- Rà soát, kiểm tra việc bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; khai thác, bảo vệ hành lang đập, hồ chứa nước ưu tiên mục tiêu cấp nước sinh hoạt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Tổ chức đánh giá việc thực hiện Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt;

- Phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào hệ thống sông, hồ, nguồn nước có sử dụng vào mục đích sản xuất nước sạch.

- Xây dựng cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu quan trắc chất lượng nguồn nước giữa các Bộ, ngành; chia sẻ thông tin về chất lượng nước để các nhà máy nước có cơ sở phục vụ công tác điều hành sản xuất.

Bộ Y tế:

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Hướng dẫn các địa phương xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Bộ Công an:

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước và công trình cấp nước; phối hợp phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ hành lang nguồn nước và công trình cấp nước;

- Tập trung phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi trường, quản lý tài nguyên nước, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nước sạch;

- Phối hợp xây dựng quy trình và tổ chức diễn tập nhằm sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các sự cố, thảm họa gây ô nhiễm nguồn nước và mất an ninh, an toàn cấp nước.

Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: