Sinh viên ĐHBK Đà Nẵng chế tạo thành công máy tái chế rác thải nhựa

Đăng ngày: 07-07-2017 | Lượt xem: 1332
(TN&MT) - Trước thực trạng ô nhiễm biển ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là chứng kiến môi trường đảo Cù Lao Chàm và xã đảo Tam Hải bị ô nhiễm vì phát triển du lịch, cùng với niềm đam...

Sản phẩm mang tính ưu việt

Để có thể đưa vào sử dụng trong thực tiễn, nhóm sinh viên Nguyễn Thanh Đô, Đoàn Công Trung, Nguyễn Văn Dũng (sinh viên năm 4 khoa Cơ khí) và Nguyễn Thị Thùy Dương (sinh viên năm 4 khoa Môi trường) của Trường ĐHBK – ĐHĐN đã chế tạo máy tái chế rác thải nhựa với tiêu chí rẻ, đơn giản và dễ sử dụng.

Nói về tiêu chí rẻ, nhóm cho biết chi phí để làm ra hệ thống gồm 3 máy tương đối phù hợp. Các hộ gia đình có thể mua được nếu sẩn phẩm được đưa ra thị trường. Các chi tiết chế tạo máy có sẵn  hoặc được tận dụng từ phế liệu nên tiết kiệm được rất nhiều khoản.

Hệ thống sản phẩm khá đơn giản, gồm 3 máy với các tên gọi là máy nghiền nhựa, máy kéo sợi và máy đúc khuôn. Trong đó, máy nghiền nhựa có nhiệm vụ tạo ra các hạt nhựa để phục vụ cho máy kéo sợi và máy đúc khuôn; máy kéo sợi tạo ra các sản phẩm dạng sợi; máy đúc khuôn tạo ra các sản phẩm tùy theo hình dạng khuôn đúc.

Sản phẩm nhựa tái chế qua các công đoạn

Các máy đều có 2 chế độ hoạt động bằng tay và tự động rất dễ sử dụng và thân thiện với người dùng. Ngoài ra, đi kèm với hệ thống 3 máy này còn có các hướng dẫn phân loại rác thải nhựa rất tiện lợi gồm: phân loại bằng cách nhìn mã số ở dưới chai lọ nhựa; phân loại bằng cách hòa tan nhựa vụn vào trong các dung môi để lợi dụng tính nổi khác nhau của từng loại nhựa khác nhau trong dung môi đó; phân loại bằng nhiệt độ nóng chảy.

Bằng hệ thống máy tái chế rác thải nhựa này, nhóm đã tạo ra được một số sản phẩm như sợi nhựa dùng để tạo ra các lọ bút, lẵng hoa, sợi nhựa dùng cho máy in 3D (các sản phẩm của máy kéo sợi) và các khối nhựa đặc (sản phẩm của máy đúc khuôn). Các sản phẩm được sử dụng ngay tại trọ của các thành viên trong nhóm. Sản phẩm tuy chưa hoàn thiện về tính thẩm mỹ (đặc biệt là máy đúc khuôn) và tính đa dạng của các sản phẩm nhưng đã có một số kết quả khả quan ban đầu.

Ở các vùng đảo Cù Lao Chàm và xã đảo Tam Hải du lịch rất phát triển, tuy nhiên, rác thải du lịch, rác thải sinh hoạt hàng ngày phải vận chuyển vào đất liền để xử lý rất tốn kém cả về chi phí lẫn thời gian, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng khi rác thải không được vận chuyển kịp thời, quá trình vận chuyển gặp sự cố... Chứng kiến được điều này, niềm ấp ủ tìm ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm đã thúc đẩy các bạn trong nhóm nghiên cứu sản phẩm máy tái chế rác thải nhựa để có thể xử lý rác ngay tại chỗ rất phù hợp cho các vùng đảo, các vùng sâu vùng xa thiếu phương tiện vận chuyển rác thải.

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Khi kể về quá trình nghiên cứu, chế tạo sản phẩm, nhóm cho biết đó là cả một quá trình khó khăn. Thứ nhất về vấn đề thời gian, ngoài vừa học chính trên trường rồi tham gia các hoạt động ngoại khóa cộng thêm thời gian biểu của mỗi bạn mỗi khác nên nhóm chỉ tận dụng được thời gian rảnh buổi trưa và tối để nghiên cứu và chế tạo.

Bên cạnh đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong gia công nên cũng tạo ra khá nhiều phế phẩm và trải qua nhiều lần chạy thử rồi sửa chữa mới tạo ra sản phẩm. Trong khi, kinh phí cho việc nghiên cứu và chế tạo chủ yếu được đóng góp từ các thành viên của nhóm (các thành viên nhóm đều là sinh viên nên phải lấy tiền dành dụm, tiết kiệm của bản thân để phục vụ nghiên cứu, chế tạo).

Vượt qua mọi trở ngại, sau hơn 8 tháng miệt mài nghiên cứu (bắt đầu từ tháng 10/2016) và tìm hiểu các tài liệu trên mạng (trong đó có dự án mở preciousplastic.com), sản phẩm máy tái chế rác thải nhựa không những đã hoàn thành mà còn vận hành tốt, đáp ứng mục tiêu ban đầu nhóm đặt ra. Đây là sản phẩm có thể sử dụng ở biển đảo, khu dân cư, trường học… trước mắt là phục vụ cho nhu cầu tái chế rác thải nhựa, ngoài ra có thể giúp nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ môi trường, phân loại rác thải nhựa. Các sản phẩm tạo ra từ các máy tái chế rác thải nhựa hoàn toàn có thể được sử dụng trong đời sống hằng ngày.

Các thành viên trong nhóm nghiên cứu bên sản phẩm máy tái chế rác thải nhựa

Sản phẩm đã đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học do Đoàn trường ĐHBK tổ chức. Đầu tháng 6 vừa rồi, tại Bình Thuận, sản phẩm của nhóm đã vinh dự đại diện cho Trường ĐHBK – ĐHĐN tham dự chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc 2017” với chủ đề “Vững chủ quyền, khởi nghiệp từ biển” và được đánh giá là sản phẩm có thiết kế tự động hóa, dễ dàng sử dụng đối với cả những người không rành về công nghệ, đối tượng sử dụng mà nhóm hướng đến trong tương lai nếu phát triển được là các nhà hàng hoặc cộng đồng khu dân cư.

TS. Lê Hoài Nam, Phó trưởng khoa Cơ khí , Trường ĐHBK - ĐHĐN cho biết, với những chức năng hiện có của máy tái chế rác thải nhựa, trong tương lai việc tạo ra các sản phẩm từ sợi nhựa cũng như khuôn đúc phụ thuộc vào sự sáng tạo của người sử dụng. Điều này có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển một cộng đồng làm đồ hand made tái chế từ rác thải nhựa. Đối với máy máy đúc khuôn, chỉ cần làm thêm các khuôn có hình dạng khác nhau sẽ cho ra các sản phẩm đa dạng hơn. Ngoài ra, nhóm cũng đang hướng đến nghiên cứu để máy có thể tích hợp nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường và tăng năng suất của hệ thống.

Được tạo ra từ nhu cầu thực tiễn với những đặc tính ưu việt, đây là sản phẩm có khả năng ứng dụng cao, rất cần được nhân rộng.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan:

EMC Đã kết nối EMC