Quy định lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố cấp bách đê điều từ nguồn ngân sách địa phương

Đăng ngày: 23-07-2020 | Lượt xem: 1425
Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thực hiện phân cấp công tác quản lý duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều đối với cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho phù hợp

Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố cấp bách đê điều từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

a) Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều cho phù hợp với đặc thù của địa phương.

b) Việc rút dự toán, thanh toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

c) Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều hàng năm theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm.

Đối với các công trình, hạng mục, gói thầu công trình độc lập sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, ngoài việc thực hiện quyết toán hàng năm theo quy định trên, phải thực hiện quyết toán theo quy định tại Thông tư số 10/2020/TT- BTC ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Đối với kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê do địa phương quản lý: Trong năm, trường hợp phát hiện sự cố đê điều, đe dọa đến sự an toàn của đê dưới cấp III, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành xử lý kịp thời để bảo đảm an toàn của hệ thống đê điều do địa phương quản lý từ nguồn ngân sách địa phương (chi các hoạt động kinh tế và dự phòng ngân sách địa phương). Trường hợp xảy ra thiên tai lớn và việc khắc phục hậu quả thiên tai vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Kiểm tra

Đảm bảo việc sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều đúng mục đích, có hiệu quả; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan có liên quan ở địa phương có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng thanh toán, quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều tại các đơn vị.

Các khoản chi duy tu, bảo dưỡng đê điều vượt định mức, chi không đúng chế độ, chi sai nội dung quy định tại Thông tư này, đều phải xuất toán thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan; đồng thời người nào quyết định chi sai người đó phải bồi hoàn cho công quỹ và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tin KHTC

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: