Đo mưa bằng công nghệ viễn thám
Mở rộng ứng dụng công nghệ vũ trụ vào thực tiễn
Đăng ngày: 23-03-2018 | Lượt xem: 2118
(TN&MT) - Sau gần 10 năm triển khai, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ đã được phát triển tại nhiều ngành. Tính đến nay, việc mở rộng và thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng công...
Thâm nhập vào hầu hết các ngành, nghề
Theo sự phát triển của thế giới, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh cho các ngành đã được mở rộng và thường xuyên triển khai tại Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh… Công nghệ vũ trụ đã hỗ trợ lớn cho phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu, quản lý và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên biển, phát triển nông nghiệp, thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông và truyền hình qua vệ tinh, các ứng dụng định vị vệ tinh, sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích thương mại và các mục đích hòa bình khác…
Hiện tại, hầu hết các trường đại học trong toàn quốc chuyên ngành khoa học tự nhiên, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường… đều có đào tạo bộ môn Viễn thám và sử dụng thường xuyên các ảnh vệ tinh quang học, vệ tinh rada... Số lượng các nghiên cứu viên, kỹ sư về nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ đã được đào tạo ở trong nước và các nước hàng đầu trên thế giới về công nghệ vũ trụ, đến nay, ở Việt Nam có số lượng được đào tạo và đang hoạt động lên tới hàng nghìn người.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang sở hữu các thiết bị vũ trụ gồm vệ tinh thông tin truyền thông VINASAT 1 và 2, vệ tinh quan sát trái đất VNREDSAT 1, trạm thu mặt đất ảnh vệ tinh SPOT, trạm thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, hệ thống quan sát tàu cá ngư trường, nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh… Cùng với hệ thống các phòng thí nghiệm cơ bản là nền móng công nghệ vũ trụ vật liệu, y sinh, công nghệ sinh học, vật liệu nano…
Quan trọng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Ứng dụng công nghệ vũ trụ, ảnh vệ tinh có đóng góp tích cực và hiệu quả với hầu hết các ngành nghề trong đời sống xã hội, tuy vậy, nó đặc biệt quan trọng trong việc giám sát môi trường, tài nguyên, khí hậu, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài nguyên môi trường.
Để nâng cao ứng dụng này trong hoạt động quản lý môi trường không khí, hàng năm, các cuộc thi thiết kế và sử dụng Cansat dành cho đối tượng học sinh, sinh viên được các tổ chức Hàng không - Vũ trụ trên thế giới tổ chức với mục tiêu tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh cũng như khích lệ niềm đam mê sáng tạo không giới hạn của các bạn trẻ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung cũng như khoa học và công nghệ vũ trụ nói riêng.
Cansat - hay còn gọi là vệ tinh trong vỏ lon nước - là mô hình mô phỏng thực tế vệ tinh trên quỹ đạo, được sử dụng cho nhiều mục đích giáo dục khác nhau. Khối lượng của Cansat nằm trong khoảng 1kg, được tích hợp trong một khung cấu trúc nhỏ, có kích thước bằng một lon nước. Quá trình hoạt động của Cansat tương tự như các vệ tinh sử dụng ngoài không gian. Sau khi được phương tiện phóng đưa lên độ cao quỹ đạo thích hợp, vệ tinh sẽ tách khỏi phương tiện phóng (bằng cơ cấu chấp hành của vệ tinh hoặc của phương tiện phóng); sau một khoảng thời gian nhất định, các hệ thống của vệ tinh được kích hoạt và thực hiện kịch bản hoạt động cũng như nhiệm vụ đã được thiết kế.
Ông Vũ Việt Phương, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - Chủ tịch Ban Giám khảo cuộc thi cho biết: Cuộc thi năm nay gồm 5 đội: FIMO (Trung tâm công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường, trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội), đội SPACE ODDITY (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội), đội YCC – KIO (Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải), đội UNI - INSPIRATION (Câu lạc bộ Lập trình nhúng (CEEC) - khoa Kỹ thuật Máy tính - trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và đội LEATB (Liên trường Trung học Phổ thông Thái Bình) đã tham gia tranh tài chế tạo Cansat với nội dung “Giám sát chất lượng tầng không khí”. Nghiên cứu này phục vụ công tác giám sát, quản lý chất lượng không khí bởi hiện nay, ô nhiễm không khí đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng và thiệt hại đáng kể đối với các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp,du lịch. Ô nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng tại các đô thị lớn và khu công nghiệp. Ban tổ chức đã quyết định đội đoạt giải Nhất là FIMO (Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường) đến từ trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận phần thưởng trị giá 5.000.000 đồng, Giấy chứng nhận và 2 cơ hội nhận học bổng Vallet trị giá 16.000.000 đồng cho mỗi suất học bổng.
Ứng dụng công nghệ vũ trụ còn được phát triển ở nhiều lĩnh vực giám tài nguyên môi trường biển, rừng và tài nguyên khoáng sản… tuy vậy, các hoạt động mở rộng nghiên cứu khoa học mới chỉ dừng lại ở các đề tài, dự án nghiên cứu cấp Nhà nước và trong các cơ quan quản lý. Còn với đối tượng học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh để thúc đẩy sáng tạo về niềm đam mê công nghệ vũ trụ cũng như nâng cao trình độ tại Việt Nam còn hạn chế.
Chính vì vậy, để hoàn thành mục tiêu, nhiêm vụ của Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020, Theo Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo Nguyễn Bá Diến, cần khẩn trương xây dựng thực hiện dự án xây dựng Luật Vũ trụ của Việt Nam và các văn bản luật chuyên ngành khác có liên quan trong khung pháp lý cơ bản của quốc gia về lĩnh vực vũ trụ với định hướng chung là phù hợp với pháp luật quốc tế và các nguyên tắc chung trong sử dụng khoảng không vũ trụ; nhanh chóng xây dựng một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực dài hạn một cách tập trung, hướng trọng điểm vào giải quyết một số vấn đề của quốc gia, mở các chuyên ngành công nghệ chuẩn, theo kinh nghiệm và mô hình các quốc gia tiên tiến.
Nguồn: Báo TN&MT