Đám mây bụi bay 1.000 km từ châu Phi tới châu Âu

Đăng ngày: 28-06-2021 | Lượt xem: 1761
Hàng chục triệu tấn bụi bị cuốn đi từ sa mạc Sahara mỗi năm, có thể làm giảm chất lượng không khí nhưng cũng có lợi cho hệ sinh thái.

Công cụ chụp ảnh MODIS của vệ tinh Aqua chụp ảnh đám mây bụi bay xa 1.000 km từ Algeria (châu Phi) tới Italy (châu Âu) hôm 22/6. Theo dự báo của Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS), đám bụi sẽ tiếp tục di chuyển xa hơn về phía bắc, tràn vào châu Âu.

Mỗi năm, hàng chục triệu tấn bụi từ vùng sa mạc Sahara thuộc miền bắc và miền tây châu Phi bị những cơn gió mạnh theo mùa cuốn đi. Bão bụi có thể làm giảm chất lượng không khí nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và phản lại năng lượng Mặt Trời, giúp điều hòa khí hậu Trái Đất. Bụi khiến các hệ sinh thái biển và đất liền trở nên màu mỡ hơn với sắt và nhiều khoáng chất khác giúp cây cối cũng như thực vật phù du phát triển.

Aqua là vệ tinh quan sát Trái Đất của NASA, phóng lên quỹ đạo ngày 4/5/2002. Ban đầu, Aqua được thiết kế để hoạt động trong 6 năm nhưng đã vượt xa dự kiến. Vệ tinh này trang bị 6 công cụ quan sát gồm AIRS, AMSU, CERES, MODIS, AMSR-E và HSB.

Hiện 4 công cụ trong số này vẫn tiếp tục truyền về những dữ liệu chất lượng cao. AMSR-E gặp trục trặc nghiêm trọng từ tháng 10/2011. Nó gửi về dữ liệu với chất lượng giảm sút, sau đó dừng hẳn vào tháng 3/2016. HSB chỉ hoạt động tốt khoảng 9 tháng và hỏng hoàn toàn vào tháng 2/2003.

Theo Vnexpress

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: