Các Bộ ban ngành Trung ương cần tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý, giảm thiểu chất thải nhựa

Đăng ngày: 21-08-2020 | Lượt xem: 1265
Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.

Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Hình ảnh minh họa

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý (hoàn thành trước ngày 30 tháng 10 năm 2020); trong đó chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện một số các hoạt động cụ thể như sau:

- Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn.v.v...); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa.... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường;

- Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý;

- Thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính:

a) Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni-lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics); chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi ni-lông;

b) Chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa; ưu đãi, hỗ trợ đối với túi ni-lông thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí ưu tiên hoặc định mức áp dụng mua sắm công đối với các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường;

c) Thống kê, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường số liệu về nhập khẩu nguyên liệu nhựa, phế liệu nhựa hàng năm.

Bộ Công thương:

a) Chỉ đạo thực hiện mục tiêu “Tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”;

b) Nghiên cứu, ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng, thiết kế sản phẩm nhựa bảo đảm phục vụ cho tái chế, tái sử dụng; quy định tỷ lệ tối thiểu về hàm lượng nhựa tái sinh trong sản phẩm nhựa, độ bền và công khai thông tin về độ bền của các sản phẩm nhựa; xây dựng hướng dẫn về sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa bền vững. Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nhựa tái chế và các loại phụ gia độc hại trong vật liệu nhựa;

c) Tổ chức đánh giá hiện trạng phát triển ngành nhựa và đề xuất định hướng, giải pháp phát triển ngành nhựa theo hướng phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định trước ngày 31 tháng 12 năm 2020;

d) Tổ chức rà soát, công bố các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu có chứa vi nhựa, nano nhựa để người tiêu dùng biết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải nhựa trong ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng phao xốp trong ngành thủy sản (để làm nổi các lồng bè nuôi cá); xây dựng, thực hiện các giải pháp thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển (ALDFG) và thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế túi ni-lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần từ nông sản.

Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện kế hoạch phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa tại các bệnh viện, cơ sở y tế; chỉ đạo hướng dẫn việc phân loại rác tại bệnh viện, cơ sở y tế; đưa nội dung giảm thiểu chất thải nhựa là một tiêu chí đánh giá cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp. Ban hành tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu vệ sinh đối với các sản phẩm nhựa tái chế làm bao bì đựng thực phẩm, các loại nước đóng chai...

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, thực hiện kế hoạch phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa trong các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải tại nguồn cho học sinh, sinh viên; đưa nội dung phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thay thế nhựa trong sản xuất, kinh doanh như: vật liệu nhựa phân hủy ở trong nước biển, vật liệu nhựa sinh học (bio plastic), ứng dụng công nghệ dùng xenlulo, thay thế vật liệu nhựa bằng giấy; thúc đẩy, hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa; thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung tiêu chuẩn giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở thể dục thể thao quần chúng, các trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao, đặc biệt tại các vùng ven biển và đưa ra các phương án thay thế trong quy định hướng dẫn ngành du lịch dịch vụ.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình truyền thông, tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa.

Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: