“Hãy cho đi để được nhận”…

Đăng ngày: 26-03-2019 | Lượt xem: 5535
(TN&MT) - Xuất phát từ những khó khăn trong khảo sát, đo số liệu trong ngành bản đồ khi cán bộ phải trực tiếp đến những vùng nước nguy hiểm, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ - Bộ TN&MT đã thiết kế, chế tạo thành công hệ thống xuồng đo sâu hồi âm không người lái (USV). Công trình này đã được Ban Chấp hành Đoàn Khối các cơ quan Trung ương công nhận sản phẩm, mô hình sáng tạo tiêu biểu cấp khối.

Nhân dịp Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với Ths. Lưu Hải Âu (Trưởng nhóm nghiên cứu) về công trình này.

anh âu
Thạc sĩ Lưu Hải Âu

PV: Trước hết, xin chúc mừng anh và nhóm nghiên cứu đã được Ban Chấp hành Đoàn Khối các cơ quan Trung ương công nhận là 1 trong 15 sản phẩm, mô hình sáng tạo tiêu biểu cấp khối. Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình và lý do vì sao anh lại ấp ủ nghiên cứu về đề tài vốn không dễ dàng này?

Ths. Lưu Hải Âu: Tôi rất vui khi nhận được Chứng nhận của Ban Chấp hành Đoàn Khối các cơ quan Trung ương. Đây là sự ghi nhận cho những cố gắng của các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực TN&MT.

Tôi có ý tưởng nghiên cứu đề tài này từ năm 2004, khi ấy tôi 28 tuổi. Lúc đó, tôi đi khảo sát thành lập mô hình số địa hình vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ Dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mô hình số địa hình phục vụ phòng chống lụt bão vùng ĐBSCL” và Dự án “Điều tra khảo sát sông suối biên giới Việt Nam - Campuchia phục vụ phân giới cắm mốc”… Công tác khảo sát gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhất là những nơi tàu thuyền to không thể tiếp cận được. Sau đó, trong quá trình làm việc, ban đầu, Viện dự định thiết kế hệ thống điều khiển và phần mềm khảo sát nhưng đi mua các hãng chế tạo đều không bán. Lý do là đối tượng khảo sát của ngành bản đồ bao giờ cũng gắn với chữ “mật”. Vì vậy, chúng tôi đã tìm cách thiết kế phù hợp nhu cầu trong nước.

img 20190321 181347
Hệ thống xuồng đo sâu hồi âm không người lái là công trình duy nhất được Đoàn Khối gửi đi để xét trao Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc năm 2018 của Trung ương Đoàn

PV:Như vậy là sau 15 năm, ý tưởng của anh đã được hiện thực hóa thành công. Xin anh cho biết, ưu điểm của hệ thống xuồng đo sâu hồi âm không người lái (USV)?

Ths. Lưu Hải Âu: Hệ thống xuồng đo sâu hồi âm không người lái (USV) được thiết kế chạy tự động. Vỏ được làm bằng nhựa Composite. Trong thân được gắn phần mềm ghi dữ liệu, camera trực tuyến, máy định vị vệ tinh, ăng ten và một thiết bị đo sâu hồi âm. Một máy tính nhỏ như điện thoại cũng được gắn ở trong để lưu số liệu và gửi về hệ thống qua tín hiệu radio.

Khác với các tàu đo số liệu biển, chỉ đo được ở khu vực nước sâu và cán bộ đo trên tàu đó đôi khi gặp nguy hiểm do gặp bão hoặc các vấn đề an ninh, xuồng đo sâu hồi âm không người lái có thể đo sâu được 1.000m nhưng cũng có thể chạy được ở vùng nước nông do mức mớm nước rất thấp mà không cần người lái. Đối với khu vực ven bờ, vùng đá, san hô, con người không thể tiếp cận, xuồng vẫn đến và đo được số liệu. Với thiết kế hiện tại, xuồng có tải trọng hơn 100kg, có thể đo trong thời gian 8 - 10 tiếng.

Xuồng đo sâu hồi âm không người lái đã được đưa vào triển khai các công trình thực tế, giúp các nhà khoa học chủ động trong lĩnh vực khoa học công nghệ chế tạo thiết bị khảo sát xuồng không người lái. Số liệu điều tra tài nguyên thu được nhanh hơn, chính xác, đảm bảo thu hồi dữ liệu an toàn (vì dữ liệu gửi trực tuyến về server trung tâm) kể cả khi xuồng và thiết bị gặp bất trắc như: sóng to, gió lớn, thời tiết bất khả kháng…

PV: Để đạt được sản phẩm có ý nghĩa ứng dụng rất thiết thực đó, công trình nghiên cứu của anh đã được thực hiện như thế nào?

Ths. Lưu Hải Âu: Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tích cực nghiên cứu các tài liệu của nước ngoài và Việt Nam, từ đó, đưa ra các giải pháp, phương án thiết kế thi công, thiết kế sơ đồ tổ chức thi công, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm. Chúng tôi đã nghiên cứu thiết kế mô hình, kiểu dáng sản phẩm, lựa chọn vật liệu chế tạo, sau đó, chế tạo thử nghiệm xuồng tự hành. Chúng tôi cũng thiết kế và xây dựng phần mềm điều khiển và xử lý số liệu đo sâu hồi âm, và tích hợp với thiết bị GPS-RTK và thiết bị định vị quán tính; tích hợp các thiết bị phần cứng, phần mềm trên xuồng không người lái; tiến hành khảo sát và đánh giá kết quả khảo sát so sánh với các phương pháp khác.

May mắn là nhóm chúng tôi là những nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng phần mềm khảo sát và được tiếp cận với nhiều công nghệ mới của nước ngoài, đều đam mê, nhiệt tình với công việc. Thế nhưng, chúng tôi lại không phải chuyên nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, chế tạo xuồng, nên đã mất nhiều thời gian nghiên cứu học hỏi. Và để có được sản phẩm ngày hôm nay, rất nhiều sản phẩm phải bỏ đi và thay đổi thiết kế.

Nhiều lần chúng tôi phải chấp nhận bỏ cả hệ thống các vi mạch điện tử vì do chập điện, hoặc do công xuất không đủ khi triển khai thử nghiệm ngoài thực tế (một phần là do chưa có kinh nghiệm và không có cán bộ chuyên môn về ngành điện tử), có những modul phần mềm chạy kiểm thử đến gần 20 lần… Nhiều khi chúng tôi hơi nản. Tuy vậy, mỗi khi thấy những hình ảnh tàu khảo sát bị lũ quét cuốn trôi, hình ảnh cán bộ khảo sát phải trực tiếp vào các khu vực nguy hiểm đo đạc lấy mẫu môi trường, tàu khảo sát lớn không vào được: Vùng ô nhiễm, lũ quét bất thường, đá ngầm... những hình ảnh đó là liều thuốc động viên quý giá, kịp thời cho bản thân tôi và anh em nghiên cứu cần cố gắng hơn.

PV: Từ kết quả nghiên cứu này, anh có dự định gì trong thời gian sắp tới?

Ths. Lưu Hải Âu: Thời gian tới, nhóm chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tối ưu hóa thiết bị về cả phần cứng và phần mềm của sản phẩm. Sau đó, chúng tôi sẽ sản xuất hàng loạt, cung cấp cho các đơn vị trong và ngoài nước. Hiện nay, sản phẩm đã được đăng kí Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ.

PV: Hiện, nhiều nhà khoa học trẻ bắt tay vào nghiên cứu những lĩnh vực của ngành TN&MT vốn không dễ dàng như đo đạc bản đồ, anh có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ với họ?

Ths. Lưu Hải Âu: Trước đây, trong trường đại học, chúng tôi đã chọn học ngành Trắc địa - Bản đồ. Sau khi ra trường, nếu muốn làm đúng ngành, trước tiên không được phép mặc cả với ngành, nói nôm na có thể hiểu: “Hãy cho đi để được nhận”, đam mê công việc có trước, mọi việc tính sau…

Có rất nhiều quan niệm, thế hệ chúng tôi khi mới ra trường, lúc đó, ở Việt Nam ngành Trắc địa và Bản đồ nói chung cũng chưa được phát triển, còn phụ thuộc nhiều vào con người và hệ thống thiết bị của nước ngoài, nhưng chỉ ít năm sau đó, ngành đã phát triển một cách rất nhanh chóng: Những thiết bị khảo sát tự động đã ra đời thay thế dần con người, những công việc khó khăn trước đây đã được máy móc hỗ trợ…..

Mặt khác, công việc đo đạc có cơ hội được đến nhiều nơi, thấy được nhiều phong cảnh khác nhau, thấy nhiều hoàn cảnh cuộc sống khác nhau, từ đó, tự định hướng lại chính mình. Mỗi vùng đất khác nhau như vậy, tập quán… có khi còn tôi rèn cho những thế hệ chúng tôi cách sống ngoài thực tế. Tình yêu với nghề do vậy được đắp bồi theo năm tháng.

Với một nhà khoa học trẻ, tình yêu nghề còn phải gắn liền với sự ý thức học hỏi, chịu khó, chịu khổ, thậm chí, có thể làm tất cả các công việc khác nhau (pháp luật không cấm) để có kinh phí theo đuổi và nuôi dưỡng đam mê. Bên cạnh đó, phải có một chút mạo hiểm trong khoa học cũng như chấp nhận rủi ro. Theo kinh nghiệm của tôi, để ra được sản phẩm có ý nghĩa thì thời gian cho việc nghiên cứu, thay vì làm việc 8 giờ/ngày, đã có thời gian chúng tôi phải làm từ 12 - 15 giờ/ngày. Trong quá trình làm việc, cũng cần biết cách gỡ rối, phân công các công việc theo thế mạnh của từng thành viên đề tài và chủ trì phải chịu trách quyết định và phương án thiết kế do mình đưa ra, lắng nghe các phản biện…

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: