Lào Cai: Đề xuất được hỗ trợ KHCN xử lý nước thải tại các ao, hồ nuôi cá

Đăng ngày: 12-01-2017 | Lượt xem: 978
(TN&MT) – Sáng 12/1, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về đánh giá công tác thực thi pháp luật về thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiêm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội nghị.

Qua báo cáo của địa phương cho thấy, trong những năm qua, công tác thực thi pháp luật về thủy sản luôn được tỉnh Lào Cai chú trọng. Cụ thể, nhờ làm tốt công tác quy hoạch, đến  năm 2016, toàn tỉnh đã có 2.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng 184 ha so với năm 2013. Tổng sản lượng thủy sản của địa phương năm 2016  đạt 6.500 tấn,  trong đó, đáng chú ý là đặc sản cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) đạt sản lượng 400 tấn, đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cá nuôi thông thường.

Công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, thu mua, chế biến, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn đã được các cơ quan chức năng chủ động và tích cực triển khai.

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, nguồn nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang có dấu hiệu bị thu hẹp gây khó khăn trong việc phát triển thủy sản trên địa bàn. Trong khi đó, việc nuôi cá nước lạnh gặp thêm khó khăn là việc sản xuất giống  chưa đáp ứng được nhu cầu và toàn bộ thức ăn phải nhập khẩu nên thiếu tính chủ động và giá cá thành phẩm cao.

Quang cảnh của hội nghị

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị với Đoàn công tác Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc đầu tư cho tỉnh Lào Cai một dự án “Chuỗi giá trị sản phẩm cá nước lạnh” tại Sa Pa theo quy trình khép kín từ việc nuôi cá bố mẹ, sản xuất con giống phục vụ nhu cầu cho các tỉnh Tây Bắc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cá tầm, cá hồi; ban hành chính sách ứng dụng công nghệ cao trong nuôi thủy sản cá nước lạnh để tận dụng triệt để ưu thế của vùng;  hàng năm bố trí kinh phí cho nhiệm vụ bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các ao hồ chứa và lưu vực đầu nguồn các sông, suối nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ kinh phí, chuyển giao khoa học công nghệ cho các hộ chăn nuôi thủy sản xử lý chất lượng nước đầu ra trước khi thải ra môi trường vì Lào Cai nằm trên thượng nguồn sông Hồng và là tỉnh liên quan trực tiếp đến sự phát triển bền vững của các tỉnh dưới suối.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã ghi nhận và đánh giá cao công tác thực thi pháp luật thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Ông Trần Văn Minh  nhấn mạnh: Lào Cai là tỉnh biên giới cần phải chú trọng quản lý các giống thủy sản nhập khẩu và các loại vật tư đầu vào. Về các kiến nghị đề xuất của tỉnh Lào Cai sẽ được đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tổng hợp, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền của Trung ương xem xét giải quyết.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: