Diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ miền Trung tháng 9 năm 2019 và công tác dự báo phục vụ

Đăng ngày: 02-09-2019 | Lượt xem: 3094
Tối 31/8, một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã vượt qua phía Bắc đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) đi vào khu vực phía Đông Bắc Biển Đông với cường độ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sau khi vào Biển Đông, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20-25km/h và cường độ mạnh lên cấp 7, giật cấp 9. Sáng ngày 02/9, ATNĐ đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ chậm lại 15-20km/h.

Tối ngày 02/9, ATNĐ đi vào vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và duy trì cường độ cấp 7, giật cấp 9. Khoảng 01h ngày 03/9, ATNĐ đi vào các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế với cường độ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sau khi đi vào vào đất liền ATNĐ dịch chuyển chậm về phía Tây Nam. Chiều 03/9, ATNĐ đổi ngược hướng di chuyển quay ra vùng biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam với cường độ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sau đó, ATNĐ lại đổi hướng Đông Bắc với tốc độ khoảng 5-10km/h. Chiều tối 04/9, ATNĐ suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Đường đi của ATNĐ tháng 8-9 năm 2019 

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới

Ảnh hưởng về gió mạnh

ATNĐ đã gây ra gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9 ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Trên đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8

Ảnh hưởng về mưa

Từ đêm 01 đến hết ngày 05/9, do ảnh hưởng của ATNĐ, ở khu vực từ Nam Nghệ An đến Bắc Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 400-700mm. Khu vực Bắc Nghệ An, Nam Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm.

Ảnh hưởng về lũ

Từ ngày 02-06/9, trên các sông từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và Kon Tum đã xuất hiện 1 đợt lũ.

Biên độ lũ lên ở thượng lưu sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Thạch Hãn (Quảng Trị) phổ biến từ 5-9m; riêng biên độ lũ lên tại trạm Chu Lễ (sông Ngàn Sâu) và trạm Đồng Tâm (sông Gianh) từ 10,8-11,9m.

Đỉnh lũ trên các sông nhỏ ở Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Kon Tum ở mức BĐ1 và trên BĐ1. Sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đã xuất hiện lũ lớn. Đỉnh lũ trên các sông như sau:

- Trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 14,45m (trên BĐ3 0,95m), tại Hòa Duyệt 10,43m (dưới BĐ3 0,07m).

- Trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) tại Lệ Thủy và sông Thạch Hãn (Quảng Trị) tại Thạch Hãn dưới BĐ3 từ 0,13-0,26m. Do mưa lũ lớn kéo dài tình hình ngập lụt sâu, diện rộng đã xảy ra tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

Do mưa lớn kéo dài tình hình ngập lụt sâu, diện rộng đã xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

Thiệt hại do áp thấp nhiệt đới

Theo thông tin của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng như báo cáo nhanh của các Đài KTTV, tính đến 19h ngày 05/9/2019, tình hình thống kê thiệt hại như sau:

- Về người: 04 người chết (Hà Tĩnh: 01 người; Quảng Bình: 02 người; Thừa Thiên Huế: 01 người), 01 người bị mất tích

- Về nhà:

+ 63 nhà bị hư hại (Hà Tĩnh: 41; Quảng Bình: 01; Quảng Trị: 19; Thừa Thiên Huế: 02).

+ 15.411 nhà bị ngập nước (Nghệ An: 50; Hà Tĩnh: 5.567; Quảng Bình: 8.308 nhà; Quảng Trị: 1.456 nhà; Thừa Thiên Huế: 30 nhà);

- Về nông lâm nghiệp: 16.147ha lúa, hoa màu bị ngập (Nghệ An: 3.857ha; Hà Tĩnh: 6.848ha; Quảng Bình: 568ha; Quảng Trị: 4.874ha); 127 ha cây trồng hàng năm bị ngập (Quảng Trị); 1.330 ha cây ăn quả tập trung bị ngập (Hà Tĩnh).

- Về giao thông:

+ Hà Tĩnh: 25 xã giao thông chia cắt;

+ Quảng Bình QL12A, QL15, QL 9B ngập 06 điểm sâu 0,2 đến 1,0m, 13 điểm sạt lở và tuyến đường tỉnh 559, 559B, 562 và tuyến đường huyện bị ngập, gây chia cắt;

+ Quảng Trị: nhiều tuyến đường thuộc các huyện Hướng Hóa, Đắkrông bị ngập gây chia cắt 14 xã và nhánh Tây đường Hồ Chí Minh sạt lở tại Km 265, 287.

- Về tàu thuyền: Tàu QNa91928TS (1075CV)/44 người bị chìm ngày 02/9 ở khu vực quần đảo Trường Sa, đã cứu vớt được 41 thuyền viên; hiện còn 3 người mất tích;

Công tác dự báo phục vụ

Đối với cơn ATNĐ này, công tác dự báo, cảnh báo đã được thực hiện từ sớm. Sáng 30/8, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia đã ban hành bản tin ATNĐ gần Biển Đông. Sáng sớm 01/9 đã dự báo ATNĐ sẽ đổi hướng về phía Tây Nam sau khi đi vào gần đảo Hải Nam. Bản tin lúc 14h30 chiều 01/9 đã dự báo ATNĐ sẽ đổi hướng đi ra ngoài Biển Đông sau khi đi vào vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Các bản tin sau đó đã cập nhật sát diễn biến của ATNĐ phù hợp với diến biến thực tế.

Bản tin mưa lớn lúc 15h30 ngày 31/8 đã dự báo từ 02-06/9 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt. Các bản tin sau đó đã cập nhật sát diễn biến, dự báo ở Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Trung tâm đã tổ chức 02 buổi thảo luận trực tuyến với các Đài KTTV khu vực Đông Bắc, Việt Bắc, Đồng Bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, các Đài KTTV tỉnh liên quan và các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học Tài nguyên nước nhằm đánh giá về tình hình ATNĐ, mưa, lũ và an toàn hồ chứa trong khu vực ảnh hưởng.

Sáng 01/9, Trung tâm đã phát hành bản tin cảnh báo lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Trong các bản tin đều có đề cập mưa lũ có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của các hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bản các tỉnh. Trung tâm cũng đã phát hành các bản tin nhanh về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và bản đồ phân vùng các khu vực với mức độ nguy cơ khác nhau đã được gửi đến Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (CH PCTT&TKCN) địa phương (khu vực nguy cơ cao đến rất cao được chi tiết hóa đến cấp huyện và gửi đến Ban CH PCTT TKCN huyện). Trong suốt thời gian diễn ra ATNĐ, lũ các quan trắc viên tại các trạm đã thực hiện tốt Quy trình, Quy phạm, Mã luật, kỷ luật quan trắc, công tác đo đạc, thông tin liên lạc duy trì hoạt động tốt.

Tổng cộng, Trung tâm đã ban hành 38 bản tin về ATNĐ, 02 tin cảnh báo lũ, 06 Tin lũ và 07 Tin lũ khẩn cấp (sông Gianh và sông Ngàn Sâu). Phát hành 16 Tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cho các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Kết quả đánh giá bão, mưa, lũ do bão xem tại các Phụ lục.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời, đầy đủ cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, y ban Quốc gia Tìm kiếm-cứu nạn và Ban CH PCTT TKCN các Bộ, ngành, địa phương thuộc khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Tin bài: Thành Công - Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: