Chủ trương triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai

Đăng ngày: 03-09-2020 | Lượt xem: 1313
Thời gian vừa qua, tình hình mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, siêu bão đã và đang diễn ra ngày càng bất thường, cực đoan gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản đối với các quốc gia trên thế giới và khu vực.

Ở nước ta, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc kèm theo sét, mưa đá, động đất, mưa lớn có xu hướng gia tăng cả về tần suất và mức độ khốc liệt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.

Dự báo, mùa mưa, bão đến muộn vào cuối năm, khả năng xuất hiện khoảng từ 07 đến 09 cơn bão, trong đó khoảng từ 04 đến 05 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam; nguy cơ mưa lũ lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung; lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, nhất là tình huống xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”; rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất.

- Chỉ đạo tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn, phương án, nguồn lực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập trước tình huống xảy ra mưa lũ lớn, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng.

- Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục ngay các sự cố hư hỏng, xử lý các trọng điểm xung yếu bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập và thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.

- Chỉ đạo giám sát vận hành an toàn hồ đập, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ.

- Hỗ trợ trang thiết bị và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để thực hiện tốt công tác phòng chống, thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai

- Chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương rà soát kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là mưa lũ lớn dài ngày, xả lũ lớn từ thượng nguồn sông xuyên biên giới, bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó thiên tai và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác ứng phó các tình huống thiên tai nguy hiểm theo nhiệm vụ được giao.

- Chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp, đề xuất khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai, nhất là các vị trí đê điều, hồ đập trọng điểm xung yếu, khu vực sạt lở, lũ quét để chủ động ứng phó tình huống mưa, lũ lớn.

- Nâng cao năng lực theo dõi, giám sát diễn biến thiên tai; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống theo dõi, giám sát chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo để tiếp nhận và truyền tài thông tin được kịp thời, chính xác.

Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: