"Nữ giám đốc nông dân" biến rác thành… phân bón

Đăng ngày: 21-02-2017 | Lượt xem: 5283
(TN&MT) - Đến thăm xưởng sản xuất của “nhà khoa học nông dân” một thời Nguyễn Phi Sinh tại xóm Đồng (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội); tôi được dịp trò chuyện với một người...

Trăn trở với sự nghiệp bảo vệ môi trường

Dương Liễu nổi tiếng với làng nghề sản xuất miến dong, tinh bột sắn, bánh kẹo… hàng ngày thải ra môi trường lượng lớn chất thải hữu cơ chưa qua xử lý. Trăn trở trước tình hình ô nhiễm môi trường đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân, ông Sinh quyết tâm nghiên cứu tìm tòi cách xử lý rác thải ở địa phương.

Nhớ về người chồng quá cố, bà Châm thoáng hồi tưởng: “Chồng tôi đã nhiều đêm thức trắng, trăn trở phải làm thế nào để làng nghề giảm lượng rác thải, hạn chế mùi hôi thối. Đã có lúc ông ấy tâm sự với tôi bỏ nghề làm miến dong để chuyển nghề khác đỡ ô nhiễm hơn, nhưng lúc ấy tôi phản đối kịch liệt bởi 6 miệng ăn trong gia đình đều phải trông cậy vào nghề này. Cũng từ đó ông nung nấu tìm ra một nghề mới vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo được nguồn thu nhập cho gia đình”.

Bà Châm kể, khi ấy chồng bà vừa không có tiền vừa không có kinh nghiệm về sản xuất phân vi sinh, nhưng ông đã mạnh dạn tìm đến Viện Nghiên cứu thuộc Đại học Nông nghiệp 1 để trình bày ý tưởng và thật bất ngờ, các nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp đã nhiệt tình giúp đỡ về kỹ thuật. Năm 1996, ông quyết định thành lập công ty riêng của gia đình với 50 triệu đồng vốn. Hàng ngày, hàng chục công nhân của công ty đi khắp làng vớt rác thải dưới các kênh, mương, ao, hồ, thu mua bã dong ở các cơ sở sản xuất miến làm nguyên liệu làm phân.

Bã thải sau khi mua về được ủ trong một thời gian nhất định và đưa vào sản xuất

Sản xuất sản phẩm phân bón mới, công ty của gia đình bà liên tiếp gặp khó khăn trong việc bán hàng. Đến kỳ trả nợ ngân hàng, hàng hóa tồn đọng nhiều, không tiền trả nợ, nhà cửa bị niêm phong, cả gia đình ông phải dọn ra xưởng ở.

Không nản chí, ông mang phân bón đi khắp nơi mời bà con dùng thử. Trời không phụ lòng người, nhờ sản phẩm tốt, giá thành hợp lý nên bà con nông dân đã ủng hộ sản phẩm của gia đình ông. Từ trong “vũng lầy”, công ty gia đình bà đã tìm được cơ hội phát triển. Hoạt động sản xuất liên tục tăng lên, mỗi năm công ty sản xuất hơn 60.000 tấn phân bón cung ứng cho nông dân các tỉnh thành miền Bắc. 

Có thêm động lực, chồng bà còn cất công đi tìm hiểu chất đất, độ bạc màu của từng cánh đồng để sản xuất ra loại phân phù hợp cho người dân cải tạo đất. Phân sau khi làm khô, được nghiền nhỏ vụn, trộn các chất vi sinh theo đúng tỉ lệ, phù hợp với từng loại đất, sau đó mới đưa vào máy vo thành viên và đóng bao phân phối tại các thị trường trong cả nước. 

Nối nghiệp chồng

Sinh thời, ông Nguyễn Phi Sinh dành hết tâm huyết cho nông nghiệp và những đóng góp thiết thực của ông cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng danh giá như: “Cúp vàng Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường” của Bộ TNMT; Giải Sáng kiến mới của Quỹ Môi trường Kawoy (Nhật Bản)… Năm 2012, ông Sinh qua đời, bà Châm nối nghiệp chồng duy trì xưởng sản xuất phân bón và trở thành “nữ giám đốc nông dân” với nhiều trăn trở.

Nghiệp sản xuất phân bón giờ đây đối với bà Châm không chỉ là tâm huyết duy nhất của người chồng quá cố mà còn ảnh hưởng đến sinh nhai và công ăn việc làm cho hàng chục người lao động. Mấy năm trở lại đây, khi Nhà máy xử lý rác thải được xây dựng tại địa phương, mỗi ngày xử lý hiệu quả cả nghìn tấn rác thải; cùng với đó nhu cầu thị trường biến đổi gây khó khăn cho việc sản xuất phân bón hữu cơ, bà Châm quyết định chuyển hướng sản xuất phân vô cơ là chính.

Bà Châm giới thiệu quy trình chế biến bã thải thành phân bón

Tuy vậy, để tiếp nối tâm nguyện của chồng, duy trì hoạt động bảo vệ môi trường, trong hoạt động sản xuất phân bón, bà Châm vẫn sản xuất một phần phân bón hữu cơ. Bà “giám đốc nông dân” chia sẻ: “Trước đây, sản phẩm chính của công ty là dòng phân hữu cơ. Ngày nay, địa phương đã có nhà máy xử lý rác thải, sản phẩm phân hữu cơ đòi hỏi phải sử dụng qua 3 vụ trở lên mới thấy hiệu quả rõ rệt nên nhu cầu thị trường đã thay đổi buộc chúng tôi phải chuyển mình. Hiện tại, Công ty đang sản xuất 5 sản phấm chính, phù hợp với nhiều loại cây trồng. Tôi vẫn sử dụng một số lượng bã thải nhất định chiếm 5% trong các sản phẩm phân bón”.

Theo bà Châm, hiện nay mỗi tháng công ty cũng xử lý hết hơn 100 tấn bã thải để sản xuất phân bón. Điều này là sự tiếp nối ý thức bảo vệ môi trường của chồng. Cứ 3kg bã thải qua xử lý còn lại được 1kg dùng làm phân. Sau đó, phối trộn các phụ gia để sản xuất. Quy trình làm phân bón gồm 5 công đoạn: Ủ, trộn, sấy khô, vo viên, và đóng bao. Loại phân hữu cơ này giá thành chỉ 2.000 đồng/kg rẻ hơn nhiều so với phân vô cơ và quan trọng là không gây ảnh hưởng xấu gì cho môi trường.

Thế nhưng, người phụ nữ nông dân ấy vẫn luôn trăn trở phải làm sao để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất phân bón hữu cơ này, làm sao để một sản phẩm tốt, có ý nghĩa giảm thiểu ô nhiễm môi trường như vậy cạnh tranh được trên thị trường.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: