Sẽ có các giải pháp ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: MH
Nhiều khoảng trống
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, năm 2018, đánh dấu bước chuyển quan trọng của Cục Biến đổi khí hậu khi chuyển giao lĩnh vực khí tượng thủy văn cho Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ đó thấy rõ, hệ thống chính sách riêng biệt cho lĩnh vực biến đổi khí hậu còn khá ít. Việc chủ động đề ra kế hoạch tăng cường thể chế sẽ giúp xác định rõ lộ trình xây dựng các chính sách cụ thể.
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn cho biết, năm 2018, Cục đã chủ trì xây dựng và hoàn thiện dự thảo “Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”, trình Bộ để trình Chính phủ đúng tiến độ theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 2018. Việc rà soát sửa đổi, bổ sung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính được tiến hành đồng thời để tích hợp vào dự thảo Nghị định. Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp với Bộ Công Thương soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch của Bộ Công Thương - Bộ TN&MT quy định về quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Cục BĐKH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đối tác phát triển, các chuyên gia, nhà khoa học xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng, như: Chương trình Hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; Kế hoạch Hành động của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết 120; Kế hoạch Quốc gia về thích ứng BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (NAP); dự thảo Thông báo Quốc gia lần thứ ba của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH…
Tuy vậy, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên tiến độ cụ thể hóa nỗ lực ứng phó BĐKH quốc gia của các Bộ, ngành, địa phương còn khá chậm, đặc biệt, trong ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước, quốc tế tham gia vào lĩnh vực này. Công tác chỉ đạo điều hành nói chung khi quản lý các nhiệm vụ BĐKH gặp trở ngại do cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hình thành và thiếu cơ chế chia sẻ, thu thập thông tin liên quan.
Chú trọng hoàn thiện thể chế
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các năm 2016, 2017, 2018, Cục đã phối hợp với các đối tác phát triển và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện 2 đợt giám sát triển khai các hành động chính sách thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SPRCC) và đề xuất Khung Chính sách năm 2019. Cục cũng dự kiến năm 2019, sẽ trình Bộ trình Chính phủ định hướng hoạt động của Chương trình từ năm 2020 trở đi.
Quá trình thực hiện các nhiệm vụ trong những năm tới, Cục Biến đổi khí hậu sẽ hoàn thiện thể chế chính sách, đôn đốc việc triển khai Chương trình Mục tiêu ứng phó BĐKH và Tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cập nhật thông tin, dữ liệu mới ở trong nước và quốc tế để phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Từ đó, tăng cường vai trò của cơ quan đầu mối quốc gia, tăng cường phối hợp các Bộ, ngành địa phương trong ứng phó BĐKH.
Trước mắt, trong năm 2019, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (hiện đã trình Chính phủ) và các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều phối Chương trình Mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 và hoàn thành NAP; đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC). Cục sẽ mở mới một số nhiệm vụ chuyên môn, trong đó, tập trung xây dựng hướng dẫn tích hợp lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh; đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam; đánh giá hiệu quả hoạt động của các hoạt động ứng phó với BĐKH tại Đồng bằng sông Cửu Long, để từ đó, đề xuất các giải pháp ưu tiên.
Cục trưởng Tăng Thế Cường khẳng định, việc xây dựng kế hoạch tăng cường thể chế sẽ được đưa vào Chương trình công tác năm 2019 của Cục, trong đó, chú trọng những nội dung về cơ chế điều phối vùng và liên vùng, những vấn đề cốt lõi của kinh tế biến đổi khí hậu, thị trường các bon, tiêu chí sàng lọc các dự án ứng phó BĐKH có thể tiếp cận nguồn quỹ môi trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu đẩy mạnh liên kết giữa các đơn vị trong Bộ TN&MT, giữa Bộ TN&MT với các Bộ ngành khác, giữa Trung ương và địa phương, các chuyên gia, đơn vị liên quan… trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó BĐKH.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường sẽ được rà soát, sửa đổi trong năm 2019, trong đó, có các quy định về lĩnh vực BĐKH nên Cục sẽ có những góp ý cụ thể, bám sát yêu cầu trong nước và quốc tế.
Nguồn: Báo TN&MT