Ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long đặt ra nhiều trách nhiệm lớn cho Đại học quốc gia Hồ Chí Minh

Đăng ngày: 29-12-2023 | Lượt xem: 5441
Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, tại Hội nghị Khoa học quốc tế “Khoa học trái đất, mỏ, môi trường phục vụ chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn và ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu” (Hội nghị GREEN EME 2023). Hội nghị do ĐHQG-HCM phối hợp Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ đồng tổ chức tại Hội trường Trần Chí Đáo vào sáng 29/12.

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh Thiện Thông).

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, chủ đề của hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ĐHQG-HCM. Trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và tất cả hoạt động của ĐHQG-HCM, ĐHQG-HCM luôn đề cập vấn đề tăng tưởng xanh, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, đô thị xanh… Việc tổ chức hội nghị này đi đúng chiến lược, tầm nhìn của ĐHQG-HCM trong giai đoạn tới.

Các báo cáo tại hội nghị sẽ có vai trò quan trọng trong việc định hướng những chiến lược tích hợp công nghệ với vấn đề biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Hội nghị còn giúp các nhà khoa học, sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn về biến đổi khí hậu, phát triển xanh, tuần hoàn.

Giám đốc ĐHQG-HCM lưu ý hội nghị còn có một sự kiện hết sức quan trọng. Đó là công bố Chương trình KH&CN cấp quốc gia “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn đến năm 2030” do Bộ KH&CN ký quyết định ban hành.

“Đối với Chương trình KH&CN ứng phó biến đổi khí hậu mới này đặt ra trách nhiệm rất lớn cho ĐHQG-HCM. Theo đó, làm thế nào để các nhà khoa học tham gia đóng góp cho sự phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là sứ mệnh của ĐHQG-HCM, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, phát triển vùng” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) GS. TS. Trần Hồng Thái, chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu là những khái niệm lớn trong định hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc tổ chức hội nghị này rất phù hợp với chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM và vai trò của ngành khoa học Trái đất, môi trường trong việc từng bước trở thành trụ cột không thể thiếu của nền kinh tế - xã hội Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ GS. TS. Trần Hồng Thái phát biểu tại hội nghị (Ảnh Thiện Thông).

Bộ KH&CN mong muốn cùng các đại học lớn như ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà Nội và hai viện hàn lâm KH&CN và KHXN Việt Nam xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, làm nòng cốt phát triển cho nền khoa học công nghệ của đất nước.

“Chúng tôi khuyến khích các nhà khoa học của ĐHQG-HCM từ ngành khí tượng, thủy văn, môi trường, địa chất, địa lý và các khối ngành kinh tế, nhân văn tham gia Chương trình KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” - Thứ trưởng Bộ KH&CN GS. TS. Trần Hồng Thái nhấn mạnh. Ông cho biết, trong tuần sau, Bộ KH&CN sẽ có văn bản xin ý kiến của các địa phương đề xuất các đề tài, hướng nghiên cứu phù hợp với khung chương trình hôm nay.

Hội nghị GREEN EME 2023 xoay quanh 6 chủ đề chính, gồm: (1) Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong Khoa học Trái đất, Mỏ, Môi trường; (2) Chuyển đổi số trong Khoa học Trái đất, Mỏ, Môi trường; (3) Chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng bền vững (điện gió, điện mặt trời, điện khí, địa nhiệt, điện rác, hydrogen…) và công nghệ phát thải carbon thấp (4) Kinh tế tuần hoàn trong quản lý tài nguyên - khoáng sản và phát triển bền vững; (5) Ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai; (6) Các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Khoa học Trái đất, Mỏ, Môi trường đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị nhận được 86 dự thảo bài báo nghiên cứu. Sau phản biện, Ban tổ chức Hội nghị đã chọn 24 bài báo để báo cáo trực tiếp, trực tuyến và treo poster tại hội nghị. Các bài báo này sẽ được Ban tổ chức xuất bản trong tuyển tập chuyên đề IOP Conference Series: Earth and Environmental Science (trích dẫn trong cơ sở dữ liệu Scopus ISSN: 1755-1315). 33 bài báo khác sẽ được đăng trong Kỷ yếu Hội nghị quốc tế GREEN EME 2023 có chỉ số ISBN (tương đương tỷ lệ chấp nhận 38%).

Trong khuôn khổ Hội nghị, Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học, Trái đất - Mỏ đã công bố và tặng hoa chúc mừng đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023 cho 14 nhà Giáo trong đó có 02 Giáo sư, 12 Phó giáo sư.  

Tôn vinh 02 Giáo sư, 12 Phó giáo sư Hội đồng giáo sư liên ngành Khoa học, Trái đất - Mỏ

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh Thiện Thông).

Phiên An

Nguồn: https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32343364/ung-pho-bien-doi-khi-hau-phuc-vu-phat-trien-ben-vung-dbscl-dat-ra-nhieu-trach-nhiem-lon-cho-dhqg-hcm/353638323364.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: