Triển khai nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 01-01-2021 | Lượt xem: 2183
Ðể ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BÐKH), nước biển dâng, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài.

Ngập nước, kẹt xe trên đường Ðiện Biên Phủ, khu vực quận Bình Thạnh.

Hàng loạt thách thức môi trường

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TP Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất do BÐKH, nước biển dâng. Nhiệt độ trung bình của thành phố tăng 0,7oC trong thời gian từ năm 1978 đến 2011. Về lượng mưa từ năm 1993 đến 2011, khu vực ven đô về phía tây và tây nam thành phố gia tăng hơn 100 mm; hiện tượng mưa cực đoan ngày càng xảy ra với tần suất nhiều hơn. Vấn đề ngập lụt cũng diễn ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông đô thị, sinh hoạt của người dân... Theo dự báo kịch bản BÐKH, nước biển dâng công bố năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu nước biển dâng 100 cm thì 17% diện tích thành phố có nguy cơ bị ngập, trong đó quận Bình Thạnh bị ngập khoảng 80,78%, huyện Bình Chánh ngập khoảng  35,43%... Trong thời gian tới, các yếu tố có tác động mạnh nhất đến TP Hồ Chí Minh vẫn là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường.

Ðể ứng phó hiệu quả với BÐKH, hằng năm, thành phố đều ban hành kế hoạch hành động với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, đồng thời lồng ghép các yếu tố BÐKH vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố với điều kiện cụ thể phù hợp các giai đoạn 2011 -  2015, 2016 - 2020. Thành phố đang tích cực đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển xã hội các-bon thấp. Hiện, thành phố đang xây dựng mô hình đô thị thông minh; trong đó, việc giám sát tác động các chỉ số môi trường, giám sát của người dân được triển khai rộng khắp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BÐKH thành phố, hoạt động ứng phó BÐKH của thành phố hiện vẫn còn không ít khó khăn. Thành phố đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, điều tra, thống kê số liệu ở các ngành nhưng chưa thể tính toán những tác động, thiệt hại cụ thể do BÐKH gây ra. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được đẩy mạnh nhưng chưa sâu rộng trong cộng đồng, chưa được cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia. Quá trình thẩm định, phê duyệt phương án dự toán sử dụng nguồn vốn sự nghiệp môi trường hằng năm còn kéo dài do phải trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành. Còn tình trạng trùng lắp khi phê duyệt danh mục chương trình, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch hành động ứng phó BÐKH hằng năm, dẫn đến các nhiệm vụ không thực hiện hết. Thống kê năm 2019, trong số 12 nhiệm vụ được giao, chỉ hoàn thành được hai nhiệm vụ (16,6%); năm 2020, trong số chín nhiệm vụ, chỉ hoàn thành được năm nhiệm vụ (55,5%). Nguyên nhân của tình trạng này, do một số dự án phải chờ giải phóng mặt bằng nên kéo dài thời gian thực hiện, chẳng hạn như các dự án chống ngập; một số dự án chưa thể triển khai ngay vì phải chờ bố trí vốn. Hiện, nguồn vốn ngân sách phân bổ cho đầu tư hạ tầng giao thông vẫn thấp so với nhu cầu thực tế (khoảng 35%). Trong khi đó, các phương tiện giao thông cá nhân ngày càng gia tăng, vượt quá khả năng đáp ứng hệ thống hạ tầng.

Lồng ghép nhiều giải pháp

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Trong giai đoạn 2017 - 2020, thành phố đã tăng cường năng lực ứng phó BÐKH khi triển khai quy hoạch, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác ứng phó BÐKH, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; nhận thức về BÐKH của cán bộ, công chức và cộng đồng được nâng lên. Sở Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó BÐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình UBND thành phố ban hành. Thời gian qua, thành phố cũng đã chủ động tham gia hợp tác quốc tế trong ứng phó và thích ứng với BÐKH và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2009, thành phố đã tham gia hoạt động của Tổ chức C40 (Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với BÐKH). C40 hỗ trợ thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó BÐKH và phát triển nguồn nhân lực. Hiện, C40 đang hỗ trợ thành phố xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BÐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chính sách giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Thành phố phối hợp Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thông qua Dự án hợp tác kỹ thuật “Hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp điều kiện quốc gia theo phương thức giám sát, báo cáo, thẩm định (MRV)”. Nhờ đó, thành phố đã kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn thành phố, xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định thí điểm theo lĩnh vực (năng lượng, vận tải, chất thải), lập kế hoạch về ứng phó BÐKH giai đoạn mới 2021 - 2030. Hợp tác với thành phố Osaka (Nhật Bản) trong chương trình phát triển thành phố phát thải các-bon thấp; hợp tác với thành phố Rotterdam (Hà Lan) trong “Chương trình TP Hồ Chí Minh phát triển về hướng biển thích ứng với BÐKH”. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, TP Hồ Chí Minh đã tìm kiếm được sự hỗ trợ, giúp đỡ về công nghệ, tài chính và tư vấn của các nước phát triển. Qua đó, giúp các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BÐKH. TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả ứng phó BÐKH.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: