Trên cơ sở kết quả Hội thảo khoa học chuyên đề “Sụt lún vùng đồng bằng sông Cửu Long – Thực trạng và giải pháp ứng phó”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa có ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với từng đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đánh giá của Bộ trưởng, nghiên cứu điều tra cơ bản, quan trắc nhằm đưa ra các kết quả chính xác, kịp thời về thực trạng và diễn biến của sụt lún mặt đất đồng bằng sông Cửu Long và nguyên nhân gây ra là việc làm cấp thiết.
Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Cục Quản lý Tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, định hướng quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất”; có thể bổ sung thêm các phương pháp, khối lượng để xác định mức độ đóng góp của các nguyên nhân gây ra lún bề mặt đất.
Xây dựng các quy định kỹ thuật (tổ hợp các phương pháp, quy trình công nghệ chủ yếu trong quan trác lún đất), định mức kinh tế - kỹ thuật về điều tra, quan trắc lún mặt đất, trình Bộ ban hành theo quy định.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Dự án “Hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển”, trong đó có nội dung “Xây dựng, đo lặp các mạng lưới chuyển dịch đứng bằng phương pháp đo hỗn hợp kết hợp giữa đo thủy chuẩn và công nghệ đo cao vệ tinh tại thành phố Hồ chí minh, Cần Thơ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long phục vụ việc phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân sụt lún, dự báo xu hướng lún để bổ sung cập nhạt kịch bản biến đổi khí hậu”.
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan xây dựng báo cáo định kỳ 5 năm về lún đất ở Việt Nam nói chung và ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Làm việc với các đơn vị và địa phương liên quan để có thể tiếp nhận, bổ sung chiều sâu quan trắc, kinh phí quan trắc tại Cà Mau trong khuôn khổ giai đoạn 2 của dự án “Sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau” do Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.
Xây dựng trình Bộ nhiệm vụ “Quan trắc dự báo lún mặt đất ở đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2020 – 2025”, trong đó ưu tiên xây dựng trạm quan trắc lún mặt đất tại một số khu vực trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long (khu vực sụt lún với tốc độ lớn, đặc biệt một số thành phố lớn ở đồng bằng sông Cửu Long). Đề xuất lộ trình để bổ sung mạng quan trắc lún đất vào mạng quan trắc tài nguyên và môi trường.
Chuẩn bị xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đề án “Điều tra tổng thể lún mặt đất đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đề xuất các giải pháp thích ứng” để thực hiện trong giai đoạn sau năm 2021.
Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng quy định về cơ chế phối hợp giữa đơn vị được giao chủ trì và đơn vị phối hợp trong việc cung cấp thông tin dữ liệu điều tra, quan trắc, giám sát phục vụ xây dựng báo cáo hàng năm theo chuyên đề, báo cáo định kỳ 5 năm về lún đất ở Việt Nam nói chung và ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; công bố thông tin chính thức về lún mặt đất trên phạm vi toàn quốc.
Xây dựng chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2021 – 2025 nhằm đưa ra các giải pháp kinh tế - kỹ thuật để hạn chế lún mặt đất; hạn chế tác động xấu do lún mặt đất gây ra; kiến nghị định hướng phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long trong trung hạn và dài hạn.
Vụ kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế “mua dữ liệu” đối với hoạt động giám sát lún đát bằng công nghệ Insar đối với các tổ chức dịch vụ tư nhân…
Những chỉ đạo cụ thể của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là bước tiếp theo quan trọng góp phần thực hiện thành công định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.
Theo Báo TN&MT