Thừa Thiên Huế: Sạt lở bờ biển dài 30km, dân bất an

Đăng ngày: 14-11-2018 | Lượt xem: 1072
(TN&MT) - Bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có nhiều điểm sạt lở nặng với tổng chiều dài chừng 30km. Nếu không có những biện pháp kịp thời thì đời sống người dân sẽ ảnh hưởng nghiêm...
Sự diễn biến phức tạp của thời tiết khiến bờ biển ở Thừa Thiên Huế bị sạt lở nghiêm trọng, nay đã khoảng 30km

Sự diễn biến phức tạp của thời tiết khiến bờ biển ở Thừa Thiên Huế bị sạt lở nghiêm trọng, nay đã khoảng 30km

Bờ biển sạt lở 30km

Trong vòng khoảng 40 năm qua, ước tính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có hơn 100 ha đất bị biến mất do biển xâm thực. Tình trạng xâm thực biển diễn ra mạnh mẽ nhất từ sau trận lũ lịch sử năm 1999 và diễn biến với cường độ ngày càng mạnh kể từ năm 2001 đến nay.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai vừa qua đã làm sạt lở, xâm thực bờ biển 12 điểm mới và cũ trên địa bàn toàn tỉnh với chiều dài khoảng 30km đi qua các địa phương từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân.

Có những điểm tái xâm thực nhiều lần sau khi khắc phục tạm thời như ở xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc). Nơi này xâm thực toàn tuyến bờ biển dài 3,3 km, có đoạn biển xâm thực chỉ còn cách Tỉnh lộ 21 là 0,5 m; trong đó, tại bờ biển thuộc thôn 4 bị xâm thực sâu hơn 10m.

Tại cửa biển Vinh Hiền (thôn Hải Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc), mưa lũ lớn khiến nước trong đầm Cầu Hai chảy ra mạnh cũng làm sạt lở sâu khoảng 10m, dài 100m. Ở hạ nguồn sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh) sạt lở cũng đang diễn ra phức tạp, tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 1m, dài 300m. Cửa biển Lạch Giang cách đó không xa cũng bị sạt lở gần 1m với chiều dài khoảng 150m...

Sạt lở nặng ở bờ biển Vinh Hải (huyện Phú Lộc)

Sạt lở nặng ở bờ biển Vinh Hải (huyện Phú Lộc)

Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), bờ biển dài chừng 2km cũng đang bị sạt lở nặng. Có mặt tại đây, PV nhận thấy tình hình sạt lở nặng nhất là ở các thôn Tân An, Tân Trung, Xuân An. Biển đã “ăn sâu” vào sát nhà dân. Nhiều khóm dứa dại, cây hoang mọc sát bờ biển đã bị sóng đánh vào sát tận chân gốc. Nhiều ngôi nhà nuôi tôm cũng bị sóng đánh sập, trơ móng. Hàng trăm ngôi nhà dân hiện nay chỉ còn cách bờ biển vài chục mét, nhất là trong tháng 8 và 9 mới đây bị sạt lở sâu thêm 3-5 m.

“Tôi ở đây cũng đã 30 năm rồi, năm nào cũng sạt lở một ít và bờ biển cứ ăn sát nhà dân. Ai ai cũng trong tình trạng mất ăn mất ngủ vì sợ mất đất...”- ông Lê Tấn Lũy (51 tuổi, thôn Tân An) chia sẻ.

“Trước mắt, chúng tôi mong muốn cấp trên quan tâm để giai đoạn 2 của dự án xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp bờ biển sớm triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt. Đồng thời, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các hộ dân nằm sát bờ biển trong khoảng cách không đảm bảo an toàn có phương án di dời đến vị trí an toàn. Địa phương đã bố trí quỹ đất 3,5 ha cho 160 hộ dân, ưu tiên các hộ trong diện phải di dời khẩn cấp. Tiếp đến UBND xã thống kê, rà soát những hộ nằm trong khoảng cách không an toàn, những hộ có nguyện vọng di dời do sạt lở, để bố trí tái định cư”- ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết.

Nhiều công trình kiên cố tại bờ biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) đã bị sóng đánh hư hỏng

Nhiều công trình kiên cố tại bờ biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) đã bị sóng đánh hư hỏng

Trong khi đó, cửa biển Lăng Cô cũng đang bị xâm thực nghiêm trọng. Ông Dương Đăng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho hay, xâm thực biển gây sạt lở ngay tại cửa biển dài hơn 120m (khu vực tại Trạm Biên phòng Lăng Cô). Cửa biển trước đây rộng 100m, nay đã rộng ra khoảng 200m. Kè đá và các bao cát được xây dựng cuối năm 2016 cũng đã bị nước biển đánh gần hết. Nước xoáy sâu phía dưới nên kè đá bị sập...

Tìm phương án

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thông tin, sau đợt mưa lũ năm 2017, các điểm sạt lở đều được lãnh đạo huyện trực tiếp kiểm tra nhằm tìm phương án khắc phục trước mắt và xử lý lâu dài. Đối với các điểm sạt lở biển mới ở các địa phương như Vinh Hiền, Lộc Bình, Lăng Cô; huyện đã huy động lực lượng và các nguồn lực tập trung xử lý bằng các vật liệu đơn giản như vải, bao cát, cọc gỗ gia cố tạm thời, tránh tình trạng xâm thực sâu thêm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

“Địa phương cũng chủ động huy động nguồn lực, làm việc với các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu các phương án xây kè hoặc tìm các loại cây trồng phù hợp nhằm giữ đất, chống xói lở. Đối với khu vực biển Vinh Hải, xác định việc gia cố chống sạt lở trong các năm vừa qua chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, địa phương cần sự hỗ trợ của tỉnh, trung ương, xây dựng kè chống sạt lở mới chỉnh trị được khu vực này...”- ông Mạnh nói.

Xây kè chống sạt lở biển được xem là giải pháp tối ưu. Trong ảnh là tuyến đê kè vùng xung yếu ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) được xây dựng

Xây kè chống sạt lở biển được xem là giải pháp tối ưu. Trong ảnh là tuyến đê kè vùng xung yếu ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) được xây dựng

Ông Phan Thanh Hùng- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nguồn kinh phí xây dựng các công trình chống sạt lở biển chủ yếu dựa vào nguồn vốn Trung ương. Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, các cơ quan chức năng chỉ tập trung đầu tư các vùng xung yếu, trọng điểm như đã xây dựng tuyến đê kè chống sạt lở qua địa bàn xã Quảng Công, Hải Dương, Phú Thuận và tập trung khảo sát xây dựng các khu tái định cư. Các điểm còn lại như Vinh Hải, cửa Lạch Giang… sẽ cân đối nguồn vốn xây dựng trong những năm tiếp theo.

Đầu năm 2018, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thống nhất, quyết định chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2020. Dự án này sẽ xây mới tuyến kè dài 3,1km dọc bờ biển từ Thuận An (Phú Vang) đến cửa Tư Hiền (Phú Lộc). Mục tiêu công trình bảo vệ trực tiếp khu dân cư tập trung của 5 xã vùng bãi ngang ven biển với khoảng 1.316 hộ dân, gần 5.753 nhân khẩu, hơn 450 ha đất sản xuất lúa 2 vụ, 85 ha nuôi trồng thủy sản và 14 ha đất rừng phòng hộ ven biển, giữ vững nguồn sinh kế giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

“Để đầu tư xây dựng hệ thống kè chống sạt lở bờ biển từ Phong Điền đến Phú Lộc cần nguồn kinh phí khoảng 1.700 tỷ từ Trung ương. Biện pháp xây kè chống sạt lở đã phát huy hiệu quả nhưng đây là giải pháp tốn kém kinh phí và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Do vậy, địa phương sẽ tính toán, chọn thêm phương án đầu tư chống sạt lở phù hợp nhằm đảm bảo tính hiệu quả trước mắt cũng như sự bền vững lâu dài...”- ông Hùng thông tin.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: