Chưa quan tâm đúng mức
ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 65% thủy sản và 70% trái cây. Tuy nhiên vài năm trở lại đây biến đổi khí hậu cùng với các hoạt động tác động đến dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông khiến cho nguồn nước xuống khu vực ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng, đạt mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Nguồn nước từ dòng chảy sông Mê Kông bị hạn chế dẫn đến tình trạng mặn lại bị đẩy và lấn sâu vào nội đồng có nơi tiến vào cách bờ biển gần 90 km.
Các chuyên gia đã có chuyến khảo sát tại khu vực ĐBSCL và đưa ra những con số đáng phải suy ngẫm: Gần 13% hộ gia đình trong khu vực ĐBSCL bị mất hoàn toàn hoặc buộc phải bỏ hoang diện tích đất đai/mặt nước sản xuất hoặc giảm hệ số sử dụng đất nông nghiệp; 16,6% số hộ chịu thiệt hại về nhà cửa đất đai. Chi phí để phục hồi, cải tạo lại đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bình quân là 19,16 triệu đồng/hộ/năm. Đáng ngạc nhiên nhất là hơn 50% số hộ bị ảnh hưởng BĐKH chưa từng nghe, hoặc có nghe nhưng không có ý niệm gì về thuật ngữ “biến đổi khí hậu” và hơn 32% hộ gia đình bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không quan tâm tới vấn đề BĐKH.
Năm 2016, hạn hán đã làm hàng trăm ha lúa tại huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) chết cháy.
Từ những lý do đó các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH ở khu vực ĐBSCL là rất cần thiết. Đồng thời cho rằng việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành và cơ quan liên quan và huy động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cơ quan hợp tác phát triển, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội…. để ứng phó với BĐKH, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian tới.
Ông Phạm Tuấn Phong, Phó Cục trưởng Cục BĐKH thuộc Bộ TN&MT cho biết, trước diễn biến phức tạp của BĐKH, mới đây, ngày 17-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”. Quy hoạch mới cần chuyển từ sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Vốn chỉ đáp ứng 5% dự tính
Mới đây tại An Giang đã diễn ra Hội thảo Quốc tế “Tăng cường nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu – Giới thiệu kết quả nghiên cứu tác động của Biến đổi khí hậu tại ĐBSCL”. Đây là hoạt động của Dự án “Tăng cường năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại ĐBSCL” do Quỹ AFV thực hiện và được tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Bftw) và ActionAid Việt Nam tài trợ. Nghiên cứu này được thực hiện tại 3 huyện là Chợ Mới (An Giang), Kế Sách (Sóc Trăng) và TP Trà Vinh (Trà Vinh).
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân thuộc Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam cho rằng, trong vòng 20 năm tới, Việt Nam cần 140 đến 179 tỉ USD cho công tác giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH và công nghệ. Tuy nhiên, nguồn lực hiện có chỉ mới đáp ứng khoảng 5% nhu cầu dự tính trong tương lai. Từ năm 2001 đến 2016, các tổ chức phi chính phủ đã viện trợ cho Việt Nam hơn 3,3 tỉ USD, trong khi cho cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường chỉ chiếm gần 250 triệu USD, tương đương 7,4%. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, ĐBSCL cần khoảng 10,2 triệu USD cho công tác ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng được năng lực thích ứng với BĐKH với sự tham gia của cộng đồng cùng các cơ quan trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, đầu tư sinh kế nông thôn bền vững qua việc cung ứng các phương tiện tài chính và thiết bị để nâng cấp kết quả nghiên cứu, phát triển dựa vào cộng đồng ở lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong lúc chờ đợi các nguồn lực đầu tư cho dự án công trình để thích ứng, ứng phó với BĐKH khu vực ĐBSCL, các địa phương vùng này cần phải tự thân vận động, linh hoạt thực hiện các công trình ứng phó theo phương châm phi công trình…
Nguồn: Đại Đoàn Kết