Giáo sư Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu
Thay đổi tư duy
PV: Kính chào Giáo sư! Trong sự tươi mới của mùa Xuân, phải chăng, chúng ta nên nhìn nhận BĐKH không chỉ ở những tác động tàn khốc của nó mang đến mà cần nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, mới mẻ hơn, thưa ông?
Giáo sư Trần Thục: Đối với Việt Nam, BĐKH biểu hiện khá rõ ràng qua sự gia tăng nhiệt độ, biến đổi lượng mưa, mực nước biển dâng từ từ và thiên tai bất thường. Những điều này đã ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, đồng thời cũng giúp chúng ta hiểu rằng, cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên trước đây đã không còn phủ hợp bởi sự ô nhiễm môi trường và làm cạn kiệt tài nguyên. Biến đổi khí hậu càng làm tăng những tác động này, và đến “điểm gãy” thì phải chuyển đổi.
Sự chuyển đổi trước tiên là phải tư duy chính xác vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ rừng, làm chậm lại sự gia tăng nhiệt độ Trái đất... Đây là thách thức đối với một đất nước có nền kinh tế còn đang trong giai đoạn phát triển, với một nền khoa học công nghệ còn ở điểm xuất phát thấp. Song, đây cũng là cơ hội lớn lao để Việt Nam tận dụng nguồn năng lượng tái tạo từ tự nhiên như điện gió, điện mặt trờ, tận dụng nguồn rác thải trở thành nhiên liệu… Chính vì vậy, hàng loạt các Chiến lược hành động đã ra đời với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững được đưa ra để thực thi.
PV: Để ứng phó BĐKH một cách hiệu quả, ít thiệt hại, vấn đề chủ động và phòng ngừa là quan trọng hàng đầu, vậy vấn đề này đã được Việt Nam thực hiện ra sao, thưa ông?
Giáo sư Trần Thục: Chủ động ứng phó BĐKH đang thực sự là bước tiến đáng kể của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại BĐKH. Nếu như trước đây, BĐKH mới chỉ là chuyện “nghe nói”, hiện nay, tôi đánh giá chủ động ứng phó với BĐKH là một trong những vấn đề được toàn bộ hệ thống chính trị hết sức quan tâm. Điều này được thể hiện rõ nét khi chúng ta có Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là định hướng chính sách cao nhất. Tiếp đó là các văn bản của quốc hội, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường; Luật Khí tượng thủy văn… đều có các quy định liên quan.
Và chúng ta đã nhận thức sâu sắc rằng, chủ động ứng phó BĐKH một cách hiệu quả nhất chính là thích ứng với nó, thuận theo tự nhiên mà đưa ra các giải pháp phù hợp. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Đồng thời, chúng ta cũng xác định biến đổi khí hậu là nhiệm vụ ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài đã được xác định trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai của các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở Kịch bản BĐKH và nước biển dâng đến năm 2100.
Dễ thấy nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã có Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với BĐKH, trong đó có định hướng chuyển đổi cách khai thác sử dụng tài nguyên vùng ĐBSCL. Qua rà soát, đánh giá các ngành kinh tế, nông nghiệp trồng lúa không còn chủ yếu nữa mà ưu tiên số 1 là thủy sản, tiếp đến cây ăn quả rồi mới đến trồng lúa. Song song là quy hoạch lại vùng dân cư phù hợp với điều kiện mới.
Mô hình nuôi tôm lúa thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: MH
Thêm một ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris với những quy định về giảm phát thải. Việc cần làm đầu tiên là đẩy mạnh sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tiếp đó là phát triển năng lượng tái tạo theo hướng thân thiện với môi trường.
Tôi thường nói BĐKH là cơ hội để chuyển đổi, để làm giàu bền vững hơn. Khi không thể tiếp tục phát triển theo cách thức truyền thống, phải suy nghĩ lại, phát triển theo hướng thích ứng với thiên nhiên.
Trao cơ hội
PV: Có thể thấy, Việt Nam đã quyết tâm cao và thực hiện đầy trách nhiệm với công cuộc ứng phó BĐKH toàn cầu. Song nhìn lại, dường như các hoạt động cụ thể, dự án nhằm hướng đến phát triển bền vững hiệu quả còn hạn chế. Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
Giáo sư Trần Thục: Theo tôi, nguyên nhân của thực tế này là việc thực hiện cơ sở pháp lý về BĐKH còn chậm. Ước tính, nguồn kinh phí hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ cũng đang rất thiếu, đặc biệt ở cấp địa phương.
Các giải pháp thích ứng với BĐKH phần lớn mới tập trung vào các giải pháp công trình như đắp đê, kè, nâng cao cốt nền... Các giải pháp phi công trình như quy hoạch, trồng rừng ngập mặn, trồng cây chắn sóng… Tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đủ. Bên cạnh đó, ý thức cộng đồng trong quản lý thiên tai và thích ứng với BĐKH đã được chú trọng nhưng vẫn còn hạn chế.
Lĩnh vực giảm nhẹ gặp khó do vốn đầu tư ban đầu cao; thị trường công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn hạn chế; cơ chế hỗ trợ tài chính hiện có chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK.
PV: Theo Giáo sư, BĐKH là cơ hội phát triển kinh tế. Vậy làm thế nào để trao cơ hội này cho các nhà đầu tư, thu hút họ tham gia triển khai các giải pháp ứng phó BĐKH của Việt Nam?
Giáo sư Trần Thục: Nguồn đầu tư cho lĩnh vực thích ứng phần lớn sẽ từ ngân sách Nhà nước, còn lĩnh vực phát thải được xác định sẽ kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân nhiều hơn. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, quy định cụ thể về gia mua điện gió, điện mặt trời. Nguồn kinh phí có hạn nên không thể bao cấp cho năng lượng tái tạo được mà các ngành phải tự điều chỉnh.
Để hỗ trợ hiệu quả, việc cải cách hành chính cần hướng tới giảm rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực này, bên cạnh đó, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để các dự án nhanh chóng được triển khai, đi vào hoạt động.
Quy hoạch có trọng tâm, trọng điểm
PV: Theo Giáo sư, các cấp, các ngành và địa phương cần làm gì để đi đúng hướng trong cuộc chiến phó với BĐKH?
Giáo sư Trần Thục: Đã là lâu dài phải nói đến việc quy hoạch. Chẳng hạn, vùng ven biển phải nghiên cứu, đánh giá nguy cơ sạt lở để không quy hoạch xây dựng công trình nhà cửa vào đó.
Biểu hiện của BĐKH diễn ra từ từ nên khó có thể nhận ra ẩn họa trong đó. Thực tế, những nhà quản lý cần hiểu rằng, các kịch bản BĐKH không phải dự báo chính xác, cụ thể cho một khu vực, địa phương nào mà được sử dụng trong định hướng, quy hoạch. Ví dụ, kịch bản phát thải thấp áp dụng cho những công trình thời gian sử dụng không dài như một khu resort 30 năm chẳng hạn. Còn kịch bản phát thải trung bình, cao dành cho công trình mang tính bền vững có thể tới cả trăm năm. Hiểu được điều này sẽ giúp xây dựng kế hoạch đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, chú trọng liên kết vùng để đảm bảo phát huy đầy đủ thế mạnh.
PV: Liên kết vùng là vấn đề được Chính phủ “đặt hàng” với các nhà kinh tế, khoa học của đất nước. Bộ TN&MT cũng đang bám sát chủ trương này để thực hiện chính sách giảm nhẹ phát thải nhà kính. Theo Giáo sư, để tăng cường liên kết vùng, chúng ta cần thực hiện những vấn đề gì?
Giáo Sư Trần Thục: Điển hình như Đồng bằng sông Cửu Long. Liên kết vùng là vấn đề cực kì quan trọng đối với khu vực này, nhưng khó ở chỗ chưa có cơ quan Trung ương nào đảm nhận chức năng điều phối 13 tỉnh trong hoạt động liên kết phát triển kinh tế xã hội gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.
Đã có những tỉnh có phong trào tự phát như khu vực tứ giác Long Xuyên, nhưng muốn phát huy hiệu quả phải có liên kết toàn vùng, quy hoạch thành những miệt như miệt vườn, miệt cù lao… Sản phẩm khác nhau nên có thể liên kết bù trừ cho nhau. Hiện nay, Chính phủ đã thí điểm liên kết vùng và chuẩn bị sơ kết để đưa ra chính sách cụ thể.
Đơn giản nhất là liên kết trong lĩnh vực du lịch. Nhà nước không đứng ra điều phối mà chỉ cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm, xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Không chỉ trong vùng, mối liên kết có thể mở rộng ra TP. Hồ Chí Minh - vốn là cửa ngõ phía Nam với nguồn lực kinh tế dồi dào, sức tiêu thụ lớn và hợp tác xuất khẩu mạnh. Cần tạo những chuỗi giá trị cho sản phẩm đặc trưng vùng miền để không phải chỉ xuất khẩu mà cần đẩy mạnh sức tiêu thụ trong nước, mở rộng cánh cửa cho đầu ra của các sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản….
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Nguồn: Báo TN&MT