Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong triển khai Thỏa thuận Paris ở Việt Nam

Đăng ngày: 28-03-2018 | Lượt xem: 903
(TN&MT) - Việt Nam và Pháp sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua triển khai thực hiện quan hệ đối tác chiến lược Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.

Bản ghi nhớ triển khai quan hệ đối tác chiến lược này đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và ông Remy Gioux, Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ký tại Paris chiều ngày 27 tháng 3 năm 2018 (theo giờ địa phương) nhân dịp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến việc ký kết văn kiện hợp tác này.

Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong triển khai Thỏa thuận Paris ở Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Emmanuel Macron chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Thỏa thuận Paris giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Ảnh: TTXVN

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu) sẽ cùng với AFD cam kết hợp tác với 03 nhiệm vụ ưu tiên, cụ thể là là : Phát triển Chương trình Gemmes (Generalized Monetary Macroeconomics for the Ecological Shift) nhằm nghiên cứu các khía cạnh khác nhau về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam và đánh giá các chiến lược thích ứng. Trên cơ sở mô hình kinh tế vĩ mô cho từng vùng của Việt Nam, mục tiêu của Chương trình là đưa ra những dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến các hoạt động kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Chương trình sẽ tích hợp và đánh giá các phương án thích ứng ngành và/hoặc địa phương, các mục tiêu của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris. 

Trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch hành động triển khai Thỏa thuận Paris, chuẩn bị các cơ sở khoa học và chiến lược để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam dự thảo các văn bản pháp lý về biến đổi khí hậu (đánh giá Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, xây dựng các đề xuất để triển khai Thỏa thuận Paris và chuẩn bị dự thảo Luật Biến đổi khí hậu trong thời gian tới), cùng với hoạt động cụ thể triển khai các chính sách này, chuẩn bị các hoạt động chiến lược dài hạn về phát triển các-bon thấp và khả năng chống chịu, phục hồi cao.

Xây dựng các mô hình mẫu, tuyên truyền và thúc đẩy mô hình phát triển có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu như việc công bố các kết quả nghiên cứu, tổ chức hội thảo, đóng góp xây dựng các báo cáo… 

Các hình thức hợp tác mà hai bên sẽ triển khai trong thời gian tới bao gồm: Việc AFD hỗ trợ hình thành mạng lưới các chuyên gia và nhà nghiên cứu Pháp - Việt Nam để triển khai thực hiện các nghiên cứu về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra nhằm góp phần xây dựng nội dung Chương trình Gemmes tại Việt Nam.

Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, mời đại diện các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để hỗ trợ các hoạt động trao đổi giữa các nhà khoa học, quản lý tham gia vào Chương trình, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận với dữ liệu và khuyến khích đối thoại về chính sách công mà mô hình có thể đề cập như: việc cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cho Liên hợp quốc trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào năm 2019, các chiến lược thích ứng của các địa phương, tiêu chí xác định ưu tiên của các dự án đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu…

Hai bên cùng hợp tác tuyên truyền và phổ biến cho công chúng cũng như bảo vệ trước các định chế quốc gia và quốc tế.

Việc theo dõi thực hiện Bản ghi nhớ này được thực hiện bởi Tổ công tác do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì với sự tham gia của Văn phòng AFD tại Hà Nội và đại diện của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. 

tnmt Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong triển khai Thỏa thuận Paris ở Việt Nam 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại Điện Invalides. Ảnh: TTXVN

Việc đánh giá các kết quả thực hiện Bản ghi nhớ tập trung vào các vấn đề như: Xây dựng một mô hình kinh tế vĩ mô Gemmes Việt Nam; Thực hiện các nghiên cứu về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam; Đóng góp vào quá trình xây dựng dự thảo Luật Biến đổi khí hậu của Việt Nam; Đóng góp vào quá trình rà soát, cập nhật Báo cáo NDC của Việt Nam, nhất là phần thích ứng; Phổ biến kết quả thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học.

Buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời các câu hỏi của đại diện Hiệp hội giới chủ Pháp về những vấn đề liên quan tài nguyên nước, môi trường và biến đổi khí hậu khi tham dự cuộc gặp của Tổng Bí thư với đại diện Hiệp hội giới chủ Pháp.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: