Cánh đồng ngô khô hạn tại một tỉnh miền Nam Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo Nikkei Asia đưa tin nắng nóng ngột ngạt lan rộng khắp Đông Nam Á trong những tuần gần đây báo hiệu sự quay trở lại của hiện tượng El Nino, khiến các chính phủ trong khu vực chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống, từ thiếu nước đến cháy rừng khi diễn biến thời tiết ngày càng xấu đi.
Nhiệt độ tăng cao có thể đe dọa sản lượng nông nghiệp ở khu vực vốn là vùng sản xuất chính dầu cọ, gạo, hạt cà phê và các mặt hàng khác, trong khi áp lực về nguồn cung cấp nước và điện có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất của khu vực đang phát triển nhanh chóng.
"El Nino đã đến", Dwikorita Karnawati, người đứng đầu Cơ quan khí tượng và khí tượng Indonesia BMKG, xác nhận vào đầu tháng Sáu: "Đỉnh điểm của El Nino được dự đoán sẽ xảy ra vào tháng Chín trên hầu hết các khu vực của Indonesia".
Bảy tỉnh của Indonesia - chủ yếu là các khu vực sản xuất dầu cọ trên đảo Sumatra và đảo Borneo - gần đây đã được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp trong bối cảnh gia tăng lo ngại về nguy cơ cháy rừng và đất than bùn trong những tháng tới do hạn hán hậu quả của hiện tượng El Nino.
El Nino là một kiểu khí hậu bắt nguồn từ Thái Bình Dương, với nhiệt độ bề mặt nước biển trên mức trung bình, thường gây ra điều kiện nóng và khô ở Đông Nam Á, trái ngược với thời tiết ẩm ướt và mát mẻ hơn của La Nina.
Sau 3 năm bị ảnh hưởng của La Nina, đến đầu năm 2023, hiện tượng El Nino đang quay trở lại. Theo bà Karnawati, dự kiến El Nino sẽ mạnh lên trong vài tháng tới. Bà nói thêm rằng năm nay có thể lặp lại của năm 2019, khi El Nino góp phần gây ra các vụ cháy đất và cháy rừng ở Indonesia, với ước tính thiệt hại lên tới 5,2 tỷ USD.
Những đám cháy đó đã gây ra khói mù dày đặc vượt qua biên giới quốc gia, làm gián đoạn hàng trăm chuyến bay trong nước và ở các nước láng giềng Singapore và Malaysia, cũng như gây ra các vấn đề về hô hấp với hàng triệu người.
Các nhà chức trách ở Singapore đã cảnh báo người dân rằng các điểm nóng cháy rừng có thể leo thang từ tháng Sáu và đang phối hợp các kế hoạch để giảm thiểu nguy cơ khói mù quay trở lại từ Indonesia và Malaysia.
Vào cuối tháng Năm, Cơ quan Khí tượng Singapore cho biết: “Người dân cũng được khuyên nên chuẩn bị như đảm bảo rằng họ có đủ… khẩu trang và máy lọc không khí trong tình trạng hoạt động tốt”.
Thời tiết nắng nóng do El Nino gây ra dự kiến sẽ kéo theo việc thu hoạch các loại cây trồng như dầu cọ ở Indonesia và Malaysia, hai nhà sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới - được sử dụng để sản xuất các sản phẩm từ sô-cô-la đến xà phòng. El Nino cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến việc trồng lúa ở các nước như Thái Lan và Việt Nam và trồng ngô ở Philippines.
Theo một giám đốc điều hành của nhà sản xuất dầu cọ Indonesia Astra Agro Lestari, tác động có thể không ngay lập tức và sản lượng thu hoạch thấp hơn chỉ có thể xảy ra hai năm sau khi El Nino bắt đầu.
Tuy nhiên, Ủy ban Dầu cọ Malaysia cho biết vào tháng Năm rằng hiện tượng El Nino có thể cắt giảm sản lượng dầu cọ thô của nước này tới 3 triệu tấn vào năm 2023. Quốc gia này đã sản xuất 18,45 triệu tấn mặt hàng này vào năm ngoái.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo và đường số 2 thế giới, nhiệt độ trong tháng Tư đạt mức cao kỷ lục ở nước này là 43 độ C.
Văn phòng Ủy ban Mía đường Thái Lan đã dự báo rằng sản lượng mía trong nước sẽ giảm xuống 70-80 triệu tấn trong năm nay từ mức 94 triệu tấn của năm 2022. Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu Kasikorn có trụ sở tại Bangkok ước tính sản lượng gạo giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái còn 25 triệu tấn.
Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp quốc gia Thái Lan đã yêu cầu nông dân không trồng lúa trái vụ để dành nước cho các loại cây trồng khác, cũng như cho các ngành công nghiệp và du lịch.
Tại Philippines, ước tính ban đầu cho thấy sản lượng gạo địa phương có thể giảm khoảng 1,8% và ngô vàng giảm 1% trong năm 2023. Mặc dù tác động kinh tế có thể ở mức tối thiểu, nhưng ngân hàng trung ương nước này coi tác động của El Nino đối với giá lương thực và năng lượng như là yếu tố rủi ro tăng lên đối với lạm phát mặc dù lạm phát hiện nay đã giảm tốc nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ.
Shotaro Kumagai, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, đã viết trong một báo cáo gần đây rằng nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong GDP ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á. Ông viết: "Do đó, sự sụt giảm trong sản xuất nông nghiệp và lạm phát kéo theo dự kiến sẽ gây áp lực giảm mạnh đối với nền kinh tế".
El Nino cũng được cho là sẽ tác động đến sản lượng thủy điện, cũng như đẩy nhu cầu năng lượng tăng lên khi các doanh nghiệp và gia đình tăng cường sử dụng các thiết bị làm mát.
Ở Thái Lan, các khu công nghiệp lớn - đặc biệt là ở Hành lang Kinh tế phía Đông đang được quảng bá rầm rộ - đang chuẩn bị đối phó với El Nino bằng cách lấp đầy các cơ sở dự trữ nước tư nhân của họ để đảm bảo nguồn cung cấp cho người thuê.
Có những lo ngại rằng hạn hán có thể kéo dài hơn dự kiến. Một quan chức từ cơ quan thủy lợi của chính phủ Thái Lan cho biết “Những gì chính phủ có thể làm bây giờ là tích trữ càng nhiều lượng mưa càng nhiều càng tốt trong suốt mùa mưa đến khoảng tháng 10”.
Vào tháng Sáu, Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Malaysia đã bắt đầu gieo mây - phương pháp tạo mưa nhân tạo - ở khu vực phía bắc của Bán đảo Malaysia, nơi Cục Khí tượng đã cảnh báo về sự thiếu hụt nguồn cung cấp nước ở các đập lớn. Khu vực đó bao gồm cả Penang, nơi tập trung phần lớn ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia, vốn phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước lớn.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong một vlog vào tháng trước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước khi đối mặt với El Nino, đặc biệt là ở những nơi như nhà ở, tiệm rửa xe, sân golf và bể bơi.
Nhà kinh tế học Kumagai gợi ý rằng việc khởi động các cơ sở tái chế nước thải tại các nhà máy và mở rộng các chương trình bảo hiểm nông nghiệp là một trong những biện pháp chính để giảm bớt tác động kinh tế do El Nino gây ra. Ông nói: "Những cách tiếp cận này rất cần thiết không chỉ đối với El Nino mà còn đối với La Nina và các rủi ro khác bắt nguồn từ biến đổi khí hậu. Tiến độ của những nỗ lực này sẽ quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn của các nước châu Á"./.
Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)