Một nghiên cứu mới đây của McKinsey Global Institute (MGI) cho thấy, các tác động của biến đổi khí hậu tại khu vực châu Á có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới, ngay cả khi châu Á có những cơ hội to lớn để đối phó với thách thức này.
Theo một phần nghiên cứu của MGI, các quốc gia đang nổi lên ở châu Á (gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng.
Đến năm 2050, từ 8-13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước này có thể bị thiệt hại do các tác động từ hiện tượng nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Khả năng xảy ra các cơn mưa rất lớn có thể tăng lên gấp 3 hoặc 4 lần vào năm 2050 ở Indonesia.
Ngoài ra, nghiên cứu của MGI, dựa trên dữ liệu của Viện Tài nguyên Thế giới, cũng cho thấy hơn 75% nguồn vốn toàn cầu, có nguy cơ bị thiệt hại do các trận lũ lụt ven sông trong một năm nhất định, là nằm ở khu vực châu Á.
Giám đốc MGI Jonathan Woetzel cho rằng trong khi cả thế giới đang tập trung chú ý vào việc đối phó với dịch COVID-19 thì những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu cũng cần được quan tâm đúng mức.
Theo ông Woetzel, châu Á đối mặt với các hiểm họa khí hậu và các tác động kinh tế-xã hội nghiêm trọng tiềm tàng, do đó phải rất quan tâm trong việc “đóng vai trò tuyến đầu giải quyết các thách thức này”.
Châu Á có thể có tiềm năng dẫn dắt các nỗ lực ứng phó toàn cầu bằng cách đề cập tốt hơn những rủi ro biến đổi khí hậu vào trong quá trình đưa ra quyết định, đóng vai trò tiên phong trong áp dụng các công nghệ thích ứng và đẩy nhanh quá trình cắt giảm khí phát thải để giảm thiểu những hậu quả tiềm ẩn nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.
Báo cáo nghiên cứu đầy đủ của MGI về thách thức khí hậu của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay./.
Theo TTXVN