Trong vòng 12 năm tới, ta phải thay đổi cấu trúc xã hội hiện có để tránh những hậu quả thảm khốc nhất mà hiện tượng nóng lên toàn cầu mang lại. Nhóm những nhà khoa học khí hậu hàng đầu không dùng những từ ngữ đáng sợ để dọa dẫm nhân loại đâu, họ có bằng chứng và có lý do để lo ngại cho tương lai loài người.
Tính tới năm 2050, ta phải đạt được mức thải khí carbon dioxide cân bằng – lượng thải ra phải bằng hoặc tương đương lượng được hấp thụ, bị tiêu hủy, để có thể giữ cho mức nhiệt độ tăng dưới mốc 1,5 độ C. Mức vừa nêu được tính toán bởi những nhà khoa học khí hậu đang làm việc cho Liên Hợp Quốc.
Con số so sánh: chúng ta thải ra hơn 32 giga-tấn carbon dioxide nội trong năm ngoái (1 giga-tấn = 1 tỉ tấn). Báo cáo đưa ra hồi năm ngoái cũng tuyên bố rằng những nỗ lực các nước đang thực hiện là chưa đủ.
Để có thể đạt được mức thải CO2 cân bằng, lượng CO2 phải giảm 45% so với hiện tại vào năm 2030 – chỉ 12 năm nữa. Jim Skea, chủ tịch bộ phận Working Group III thuộc Ban Biến đổi Khí hậu Liên Chính phủ rằng giữa thế kỉ này, lượng than ta sử dụng phải được giảm xuống mức đủ để duy trì hoạt động chung, và việc dùng công nghệ hiện đại để loại bỏ CO2 khỏi bầu không khí là không thể tránh khỏi.
Nếu ta không đạt được những mốc trên, để nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C, sinh mạng hàng trăm triệu người sẽ bị đe dọa; hàng trăm triệu người khác sẽ thiếu nước sạch; nạn đói ở vùng Sahara, vùng Châu Phi cận Sahara, Địa Trung Hải, Trung Âu và vùng Amazon tại Nam Mỹ sẽ trở nên trầm trọng hơn. Những bệnh lây lan nhờ nhiệt độ cao sẽ bùng phát. Năng suất ngô, gạo và lúa mì sẽ giảm nửa và thậm chí sẽ giảm cả giá trị dinh dưỡng.
Tăng 2 độ C vẫn chưa phải trường hợp xấu nhất: tốc độ xả thải hiện tại sẽ khiến Trái Đất tăng 4,8 độ vào năm 2100, so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.
"Giới hạn việc tăng nhiệt độ xuống 1,5 độ C không phải việc bất khả thi", chủ tịch Ban Biến đổi Khí hậu Liên Chính phủ, ông Hoesung Lee nói. "Nhưng mọi khía cạnh xã hội của ta sẽ phải thay đổi".
Về cơ bản, sẽ phải thay đổ mọi cách ta tạo năng lượng, quản lý các ngành công nghiệp, xây dựng thành phố, hệ thống giao thông, dùng đất canh tác, khai thác khoáng sản. Những việc chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử, nhưng sẽ phải xảy ra nếu như ta còn muốn có tương lai.
Với tên gọi Bản Báo cáo 1,5 độ C, dựng nên từ 6.000 nghiên cứu khoa học bởi 133 tác giả, nó tổng hợp lại mọi hiểu biết ta có về khoa học khí hậu, nghiên cứu những chính sách hiện tại ảnh hưởng ra sao tới bầu không khí ta đang cùng hít thở. Dự án khởi động năm 2015, đến hôm nay, báo cáo đã được công bố.
Những thay đổi Báo cáo 1,5 độ C nhắc tới sẽ thay đổi cấu trúc xã hội hiện có. Để cắt giảm nhiên liệu hóa thạch nói chung – nguồn năng lượng chính nhiều thế kỷ nay, ta sẽ phải chuyển sang dùng điện, năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời, năng lượng nguyên tử, quay sang dùng xăng sinh học. Bên cạnh đó, cần thêm công nghệ triệt tiêu CO2 hiệu quả , những hệ thống hiện tại có tiềm năng, nhưng vẫn chưa dựng được thành quy mô lớn.
Báo cáo còn cho rằng cần giảm số lượng phương tiện lưu thông (ô tô, máy bay, tàu thuyền), tăng khả năng tiếp cận của cư dân với phương tiện chạy điện, chuyển sang sử dụng các cách di chuyển không tốn năng lượng chất đốt như xe đạp và đi bộ. Ta phải cứu lấy rừng và biển, những hệ sinh thái mà ta vẫn phá hủy bấy lâu nay. Tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo đang trên đà lên, nhưng lên chưa đủ nhanh.
Cũng cần phải nói rõ, Báo cáo 1,5 độ C có bản chất thuần là một bài phân tích khoa học. Chính phủ các nước cần phải hành động dần từ bây giờ, để sau này còn có hành tinh nữa mà sống. Tháng Mười Hai này, sẽ có một hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra tại Ba Lan. Mong rằng sẽ có những thay đổi lớn cho tương lai loài người.
"Nói thẳng, thì chúng tôi đã gửi thông điệp tới chính phủ các nước", Jim Skea nói. "Chúng tôi đã làm phần việc của mình, đã truyền đi những gì mình muốn nói, giờ là trách nhiệm của họ, quyết định xem có thực hiện hay không".
Mức cảnh báo 1,5 độ C không phải là giới hạn thảm họa, mà là một tuyên bố nêu lên để thu hút hành động của các bên liên quan. Ta cần chính phủ các cấp thực hiện những thay đổi cần có, chứ không đơn giản là người người làm theo là được.
Còn một khía cạnh khác nữa: ngành công nghiệp chất đốt hóa thạch quá lớn để thay đổi trong một sớm một chiều. Chỉ riêng tại Canada, ngành này đã mang lại con số lợi nhuận khổng lồ, 260 tỉ USD. Rất khó có thể hạn chế được quy mô vốn đang rất lớn của nó. Hiện chưa có giải pháp hiệu quả nào được đưa ra, lại một lần nữa cần tới tác động của chính quyền các cấp.
Như chủ tịch Ban Biến đổi Khí hậu Liên Chính phủ Hoesung Lee nói, "Nóng lên độ nào cũng rất đáng ngại". Hiện ta còn chưa đạt được mốc giới hạn 1,5 độ C, giải pháp duy nhất hiện tại – có được nhờ một báo cáo khoa học tổng hợp từ 6.000 bài nghiên cứu, có được trong 3 năm – là thay đổi toàn bộ cấu trúc xã hội và kinh tế hiện tại.
Tham khảo Motherboard