Liên Hợp Quốc cảnh báo thiên tai vì biến đổi khí hậu đang xảy ra với tần suất một tuần một lần, dù phần lớn không được quốc tế chú ý, và việc chuẩn bị cho các nước đang phát triển đối phó với những ảnh hưởng to lớn là vô cùng cấp thiết, theo Guardian.
Những thảm kịch như bão Idai và bão Kenneth ở Mozambique hay hạn hán bao trùm Ấn Độ đã trở thành tin tức phủ khắp mặt báo thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều "sự biến ảnh hưởng nhỏ hơn" khác, vốn đang gây ra chết chóc, mất nhà cửa..., lại đang xảy ra nhanh hơn dự đoán, theo bà Mami Mitzutori, đại diện đặc biệt của tổng thư ký LHQ về giảm thiểu nguy cơ thảm họa.
"Đây không phải chuyện tương lai, đây là chuyện hôm nay", bà nói, nhấn mạnh điều này có nghĩa là việc thích ứng với khủng hoảng khí hậu không thể tiếp tục được xem là vấn đề dài hạn, mà là vấn đề cần có sự đầu tư ngay bây giờ.
Khung cảnh tàn phá tại Mozambique sau bão Kenneth hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.
Theo các dự báo, thiệt hại vì thảm họa liên quan khí hậu là 520 tỷ USD/năm, trong khi chi phí tăng thêm trong việc xây dựng hạ tầng chống lại tác động của sự nóng lên toàn cầu chỉ chiếm khoảng 3%, tức 2,7 tỷ USD, trong vòng 20 năm tới.
"Cái này không phải nhiều tiền (chi tiêu xây dựng hạ tầng), nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa làm đủ. Tính bền cần phải trở thành một loại hàng hóa mà con người sẽ chịu bỏ tiền ra mua", bà Mizutori nói.
Đến nay, hầu hết trọng tâm trong công tác phòng chống biến đổi khí hậu hiện tại dành cho việc "giảm nhẹ", và vấn đề "thích ứng" với tác động của tình trạng này được đặt ở vị trí thứ hai. Điều này là chủ đề của các cuộc tranh luận nhiều năm qua.
Bà Mizutori cho rằng thời gian để tranh luận những chuyện như vậy không còn nữa. "Chúng ta nói về tình trạng nguy cấp và một cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng nếu chúng ta không đương đầu với vấn đề này (thích ứng), chúng ta sẽ không thể sống sót", bà nói.
Theo news.zing.vn