Nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; đồng thời khắc phục khẩn trương, có hiệu quả sau thiên tai. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về PCTT, nâng cao năng lực, tính chủ động của cộng đồng trong PCTT, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác PCTT. Quán triệt sâu rộng Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 134-KH/TU ngày 07/7/2020 của Tỉnh ủy Lâm Đồng thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Các loại hình thiên tai chủ yếu xảy ra trên địa bàn tỉnh
Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên nên bão, áp thấp nhiệt đới hầu như ít đổ bộ trực tiếp trên địa bàn tỉnh nhưng có ảnh hưởng gián tiếp và cùng với gió mùa Tây Nam gây ra một số loại hình thiên tai, như: mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, mưa đá, lốc xoáy, sạt lở đất, sương muối, hạn hán và sét; cụ thể:
Một số loại hình thiên tai có thể diễn ra tại Lâm Đồng
- Mưa lớn, lũ, ngập lụt: Xảy ra hầu hết với các địa phương trong tỉnh, nhất là 03 huyện phía Nam (Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai); vùng hạ du các hồ thủy điện (nhất là hạ du thủy điện Đa Nhim tại huyện Đơn Dương); ngập cục bộ thường xảy ra ở các xã vùng Loan (các xã Đa Quyn, Tà Năng, Đà Loan, Tà Hine huyện Đức Trọng); xã Đại Lào, xã Lộc Châu và phường B’Lao (thành phố Bảo Lộc); khu vực sông Đa Dâng (huyện Lâm Hà); khu vực suối Đan Kia (huyện Lạc Dương); khu vực thành phố Đà Lạt.
- Lũ quét: Thường xuất hiện tại các lưu vực sông Đồng Nai đoạn qua huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh; thượng nguồn sông Đạ Huoai (xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai); thượng nguồn sông Đạ Tẻh, suối Đạ Kho, suối Đạ Nha (xã Đạ Pal, xã Triệu Hải, xã Mỹ Đức, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh); thượng nguồn suối Đạ Sị (xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên); thượng nguồn sông Krông Nô (huyện Đam Rông); suối Đại Lào, Đại Bình (thành phố Bảo Lộc); khu vực suối Đa Đum 1 và Đa Đum 2 xã Dạ Sar, suối Phước Thành (huyện Lạc Dương).
- Sạt lở đất: Khi mùa mưa đến tình trạng sạt lở đất thường xảy ra đối với tất cả các tuyến đường và các bờ sông, bờ suối trên địa bàn tỉnh; tại các đô thị hiện tượng sạt lở đất thường xuất hiện ở thành phố Đà Lạt, thị trấn Dran (huyện Đơn Dương). Ngoài ra, sạt lở đất do tai biến địa chất xảy ra nghiêm trọng ở thị trấn Di Linh và các xã Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Gia Hiệp, huyện Di Linh.
- Lốc xoáy, mưa đá, sét: Là những thiên tai xảy ra hầu hết với các địa phương trong tỉnh; những năm gần đây số lượng lốc xoáy, mưa đá, sét xảy ra ngày càng nhiều và tập trung vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, nhất là vào những thời điểm giao mùa.
- Sương muối: Là hiện tượng thiên tai khó dự báo trước, sương muối đã xảy ra trên địa bàn tỉnh vào thời điểm tháng 3/2015 và tháng 02/2020, gây thiệt hại lớn đến sinh trưởng, phát triển, năng suất của cây trồng, đặc biệt là cây cà phê đang trong thời kỳ ra hoa, tập trung chủ yếu ở huyện Lạc Dương, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt.
- Hạn hán: Xảy ra tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh, kéo dài làm cho tình hình khô hạn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng
Các giải pháp cụ thể Lâm Đồng thực hiện phòng, chống thiên năm 2021
Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai: Tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả về nhận thức và hành động trước tình hình và tác động tiêu cực ngày càng phức tạp của thiên tai; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tới nhân dân và các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở; Nâng cao kiến thức, năng lực cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là ở cơ sở có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương. Nội dung, hình thức tuyên truyền phải được đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể; thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền, triển khai các chương trình, kế hoạch vận động đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; hoàn thiện quy định, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở: Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng hiện có đang hoạt động tại các cấp để củng cố, kiện toàn, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị thiết yếu. Từng bước nâng cao năng lực, kỹ năng và các điều kiện bảo đảm để thực thi kịp thời, xử lý linh hoạt các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với các lĩnh vực của sở, ngành và từng địa phương; Phân công trách nhiệm rõ ràng và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chuyên trách, quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, các tổ chức quần chúng để phối hợp xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm tính khả thi, thiết thực, sát thực tiễn.
Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy: Đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; lập bản đồ cảnh báo thiên tai bao gồm hạn hán, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cho các địa phương trong tỉnh; xây dựng bản đồ và cảnh báo ngập lụt hạ du các hồ chứa lớn; Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai nhằm cung cấp kịp thời, chính xác diễn biến và dự báo xu hướng, mức độ thiên tai cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư để chủ động phòng tránh, đối phó hiệu quả với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại; Từng bước hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, triển khai sâu rộng công nghệ tiên tiến trong theo dõi, cảnh báo thiên tai, giám sát trực tuyến, giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện... tiến tới việc điều hành, ứng phó mang tính chuyên nghiệp.
Chủ động bố trí ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; sử dụng quỹ PCTT và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCTT và đầu tư các công trình PCTT trên địa bàn tỉnh, nhất là đầu tư xử lý cấp bách bảo đảm an toàn hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quan trắc, cảnh báo mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông và cấp nước tưới, tiêu tại các vùng thường bị thiên tai, hạn hán để kịp thời cảnh báo, dự báo sớm tình hình thời tiết, thiên tai để cơ quan nhà nước, người dân chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tin tổng hợp Tạp chí KTTV- Lâm Đồng