Hà Nội ứng phó với biến đổi khí hậu: Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Đăng ngày: 16-07-2020 | Lượt xem: 3215
Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng gia tăng, nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại..., thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình để ứng phó.

Nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được thông qua; nhiều dự án trồng cây, nạo vét hồ, hạn chế rác thải đã được triển khai... Tuy nhiên, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng còn hạn chế.

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Có thể nói, với người dân Hà Nội, cụm từ biến đổi khí hậu (BĐKH) đã không còn xa lạ bởi những diễn biến bất thường của thời tiết trong những năm gần đây đã tác động lớn đến đời sống và môi trường Thủ đô. Năm 2020, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng sẽ vượt mức trung bình nhiều năm và Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng từ thời tiết bất thường. Bên cạnh đó, theo thống kê, dân số Hà Nội hiện có hơn 8,5 triệu người, với sự góp mặt của 17 khu công nghiệp, trên 1.350 làng nghề, gần 6 triệu xe máy và hơn 600.000 ô tô. Ngoài ra, Thủ đô mỗi ngày tiêu thụ hàng chục triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu... Đó đều là nguồn phát thải khí nhà kính, gây BĐKH.

Nạo vét hồ để ứng phó với tình trạng ngập úng do thời tiết bất thường, mưa lớn gây ra.

Trước thực trạng đó, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Theo báo cáo thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn Hà Nội mới đây, Sở Công Thương đã xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) đối với lĩnh vực công thương, như: Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, hướng dẫn 303 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố thực hiện trách nhiệm theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức lồng ghép phát động phong trào hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện - tiết kiệm năng lượng trong chiến dịch “Giờ trái đất”. Sở đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, Phòng Kinh tế UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức 30 buổi tuyên truyền về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình; vận động hơn 50 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu cơ sở sử dụng năng lượng xanh theo tiêu chí của Thành phố...

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng có nhiều nỗ lực trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Từ rất sớm, Sở đã tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố. Lộ trình đã được đặt ra: Năm 2018, thực hiện mô hình “Phường/xã không đốt rơm rạ”, Thành phố hỗ trợ 50% kinh phí xử lý rơm rạ và quận, huyện, thị xã hỗ trợ 50% kinh phí bằng chế phẩm sinh học. Năm 2019: Nhân rộng mô hình “Phường/xã không đốt rơm rạ” trên cơ sở Thành phố hỗ trợ 10% kinh phí xử lý rơm rạ; quận, huyện, thị xã hỗ trợ 30% và người dân tự chi trả 60% kinh phí còn lại. Năm 2020: Thực hiện mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ”, kinh phí xử lý do hộ nông dân tự nguyện chi trả... Ngoài ra, Sở còn tích cực triển khai các hoạt động nhằm hạn chế việc sử dụng than, bếp than tổ ong nhằm cải thiện chất lượng không khí. Năm 2020, Sở đã xây dựng và ban hành quy định cấm các hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong; cấm sản xuất, kinh doanh bếp và than tổ ong trên địa bàn.

Thêm vào đó, thời gian qua, để ứng phó với tình trạng ngập úng do mưa lớn kéo dài gây ra, Thành phố Hà Nội đã tiến hành duy tu, duy trì 104 hồ điều hòa, xử lý ô nhiễm tại 122 hồ ở nội thành; duy trì và đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải, lắp đặt thêm các trạm quan trắc, tiến hành nạo vét và xử lý rác thải tại các sông trong nội đô. Thành phố Hà Nội cũng triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh; phát triển vùng cây xanh, công viên; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số công trình bảo đảm ứng phó với BĐKH. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, một trong những giải pháp thiết thực được UBND thành phố Hà Nội triển khai xây dựng thêm 25 công viên và 25 hồ; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới một số công trình phòng chống thiên tai, cùng với đó là giải pháp sử dụng năng lượng hợp lý. Hiện tại, Thành phố đang khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng... Từ năm 2016, toàn bộ các công trình công cộng đều được sử dụng đèn led, phấn đấu giảm 2/3 lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng công cộng...

Bên cạnh đó, các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường được phát động trong những năm qua tại các địa bàn dân cư đã dẫn tới sự hình thành của nhiều câu lạc bộ, tổ, nhóm tình nguyện, góp phần làm cho thành phố sạch hơn, văn minh hơn. Những việc làm tình nguyện đó giúp lan tỏa lối sống đẹp và thu hút ngày càng nhiều người chung tay bảo vệ môi trường.

Cụ thể hóa giải pháp

Tuy nhiên, công tác ứng phó với BĐKH của Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, một phần lớn do nhận thức hạn chế của người dân, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: “Mặc dù có chính sách, kế hoạch hành động cụ thể nhưng đến nay, nhận thức về BĐKH của một số doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều nơi chưa quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường nên rất ít mô hình sản xuất, tiêu dùng chú trọng đến phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Vì thế, việc nâng cao nhận thức, huy động cộng đồng doanh nghiệp chung tay trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH là rất quan trọng”.

Còn theo bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, cần cụ thể hóa những giải pháp ứng phó với BĐKH. Đầu tiên, Nhà nước cần áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất sạch hơn; ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng sạch, ít phát thải. Tiếp đó là xây dựng các hệ thống thu gom và xử lý nước thải; tổ chức các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo hướng văn minh, hiện đại, giảm dần tỷ lệ rác thải chôn lấp; chống ô nhiễm, bảo vệ tốt các di sản thiên nhiên; xây dựng chương trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Đáy...

Đặc biệt, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm BĐKH; xây dựng chương trình phù hợp cho các khóa đào tạo, cho từng đối tượng cụ thể; tăng cường đào tạo và chuyển giao công nghệ, bao gồm biên soạn tài liệu phục vụ tuyên truyền, giáo dục và đào tạo có liên quan; sử dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến kiến thức về BĐKH; giới thiệu các hành vi, tác phong sinh hoạt thích hợp với phát triển bền vững (tiết kiệm điện, nước; phân loại, giảm và tái sử dụng rác thải...).     

Khi các giải pháp được tiến hành đồng bộ, quyết liệt, ý thức cộng đồng được nâng cao thì sẽ hạn chế được tác nhân gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính..., những nguyên nhân chính gây ra BĐKH.
 

Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín, Hà Nội):
Thay đổi phương pháp canh tác để thích ứng

Ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung hiện vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Đơn cử một ví dụ nhỏ về những ruộng rau mới trồng, chỉ cần một trận mưa lớn là hỏng hết, hoặc nếu gieo cây non thì cây sẽ bị nát hoặc dính bùn đất nên không bán được.

Chính vì thế, việc trồng rau trong nhà kính giúp giảm mức độ ảnh hưởng của thời tiết và ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu. Mô hình trồng rau trong nhà kính ngăn được tác động có hại của thời tiết nắng nóng, những đợt hạn hán kéo dài bởi có hệ thống tưới bằng bể ngầm bên trong. Nhà kính cũng giúp cây rau không bị ảnh hưởng trong tiết trời mùa xuân, khi xuất hiện những đợt mưa phùn kéo dài. Đặc biệt, nhà kính bảo vệ rau trước tác động có hại từ những trận mưa lớn, người trồng rau không bị mất trắng vụ thu hoạch và vẫn bảo đảm được yêu cầu về mẫu mã, năng suất. Trồng rau trong nhà kính còn hiệu quả đối với việc diệt sâu hại. Nếu trồng rau ở ngoài đồng, với cường độ bay tràn, con sâu di chuyển nhanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm. Nhưng nếu trồng rau trong nhà kính, khoảng 3 - 6 tháng mới phát sinh một lứa sâu bệnh, đủ ngưỡng gây hại để xử lý một lần. Nhà kính còn giúp hạn chế cỏ dại bởi nguồn cỏ từ bên ngoài không thể xâm nhập vào bên trong. Khi đó, người trồng rau chỉ cần tập trung xử lý cỏ trong nhà kính, trong vòng 1 - 2 năm đầu có thể loại bỏ 80% cỏ dại. Khi cây rau sạch sâu bệnh, tần suất sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu... ít đi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, có lợi cho môi trường và công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo hanoimoi.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: