Bên cạnh đó, Bộ TN&MT mong muốn cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng từ sản xuất công nghiệp, thương mai dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông ngư nghiệp cho đến tiêu thụ tại hộ gia đình. Từ đó cân bằng giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu chuyển đổi tối đa sang Năng lượng tái tạo. Tuyên truyền, truyền thông về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nói không với việc tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép. Vận động các cơ sở giáo dục, trường học xây dựng các tiết học giáo dục môi trường, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, phát động phong trào thi đua hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất. Tổng kết và ghi lại hình ảnh, videoclip các hoạt động hưởng ứng; đăng tải trên các phương tiện mạng xã hội kèm hashtag #GioTraidat #BoTNMT.
Văn hóa tắt điện và các thiết bị điện không cần thiết nhằm tiết kiệm năng lượng, hành động tuy nhỏ nhưng thiết thực góp phần chống lại thách thức của biến đổi khí hậu. Theo đó, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “The Biggest Hour for Earth” –“Thời khắc quan trọng cho Trái đất”.
Thông điệp nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học; kêu gọi toàn thể cá nhân, cộng đồng cùng hành động để thích nghi và thay đổi tiến trình biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thập kỷ này, chống lại tình trạng suy giảm môi trường sống. Đây là điều kiện tiên quyết để tăng cường sức khỏe, sự đa dạng phong phú của các loài, quần thể và hệ sinh thái. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thực hiện hóa các mục tiêu của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 27 (COP27), sử dụng năng lượng bền vững và hướng tới tương lai 100% năng lượng tái tạo.
Cùng hướng đến khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó gồm tài nguyên nước và an toàn cho cuộc sống người dân, Bộ TN&MT hướng dẫn các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới năm 2023 với nhiều hoạt động thiết thực.
Sự kiện Giờ Trái Đất thường niên diễn ra từ 20h30-21h30 ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hàng năm, với hoạt động chính: cùng nhau tắt đèn trong 1 giờ để hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện. Sau 16 năm triển khai, sự kiện Giờ Trái Đất đã trở thành phong trào vì môi trường có quy mô lớn nhất thế giới, thu hút sự tham gia của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức của trên 190 quốc gia. Ngoài sự kiện tắt đèn, tại nhiều nước trên thế giới còn diễn ra các hoạt động như miễn phí dịch vụ giao thông công cộng, chương trình nghệ thuật kỷ niệm Giờ Trái Đất.../.
Tạp chí KTTV