Giảm tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí tới trẻ em khuyết tật

Đăng ngày: 21-09-2021 | Lượt xem: 5700
Biến đổi khí hậu (BĐKH) và ô nhiễm không khí (ONKK) ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe và trạng thái tâm lí trẻ em khuyết tật, các vấn đề lý luận và thực tiễn các tác động của BĐKH và ONKK đối với trẻ khuyết tật.

Đó là những nội dung được nêu ra và bàn luận tại Hội thảo khoa học Quốc tế: “Thực trạng và sáng kiến giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu – ô nhiễm không khí tới trẻ em khuyết tật và giáo dục” vừa được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và nhiều điểm cầu. Hội thảo do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – UNICEF Việt Nam – ĐH Wakayama (Nhật Bản) đồng tổ chức.

Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí

Tại hội nghị, TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT chia sẻ, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia đã và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Hàng triệu hec-ta đất bị ngập, hàng chục triệu người Việt Nam có thể mất nhà cửa khi nước biển dâng cao, tình trạng đói nghèo có thể tăng lên. BĐKH làm thay đổi số lượng và chất lượng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng nguy cơ cháy rừng… Động đất, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, lũ lụt khó có thể được ngăn chặn triệt để và nếu không có sự chuẩn bị, các mối hiểm họa đó có thể biến thành thảm họa ngay trước mắt.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, mỗi năm, các diễn biến bất thường của khí hậu ngày càng phức tạp gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị và nông thôn, thậm chí gây ra tổn hại về sinh mạng con người. Trẻ em đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những thảm họa thiên nhiên này. Các em gặp khó khăn trong tiếp cận với thực phẩm, nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Nhất là, khi gia đình các em mất nguồn thu nhập và tài sản thì nguy cơ các em bị tiếp xúc với bạo lực, bóc lột và lạm dụng cũng tăng lên. Trẻ em khuyết tật cũng là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và ONKK như các trẻ em khác và thậm chí còn chịu nhiều hơn do những khó khăn mà khuyết tật mang lại. Tại hội thảo, GS. ITOH Chihiro - Hiệu trưởng trường Đại học Wakayama Nhật Bản cũng cho rằng, sự nóng lên toàn cầu và ONKK đang tác động rõ rệt đến xã hội chúng ta và đe dọa môi trường xung quanh đối với trẻ em.

Các đại biểu tham gia Hội thảo tại Hà Nội

Trên thực tế, Việt Nam là nước đang phát triển và đang ở trong quá trình công nghiệp hóa cao, một trong những hệ quả không mong muốn của nó là ô nhiễm môi trường nói chung và ONKK nói riêng. Năm 2020, trong số 106 quốc gia được quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo thời gian thực, thì Việt Nam đứng thứ 21 về mức độ ONKK, với nồng độ bụi mịn PM 2.5 trung bình cao gấp 2 lần mức khuyến cáo tiếp xúc của Tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH, với ghi nhận trong 50 năm qua nhiệt độ trung bình tăng 0,5 độ C/năm, nước biển dâng 2,8 mm/năm, nhiều vùng khô hạn, trong khi nhiều vùng khác lượng mưa tăng 20% gây ra lũ lụt.

Đi tìm giải pháp làm giảm tác động của BĐKH và ONKK đối với trẻ khuyết tật

Theo UNICEF, trẻ em là đối tượng dễ bị tác động nghiêm trọng bởi những thay đổi của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH, ONKK. Nhiều báo cáo và nghiên cứu cho thấy trẻ bị đuối nước do lũ lụt, thiếu nước sạch do hạn hán, bị các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, thần kinh và sang chấn tâm lí… sau các thảm họa thiên nhiên và ONKK cao hơn người trưởng thành. Những trẻ em khuyết tật, thường bị tác động nghiêm trọng hơn, có thể làm tăng mức độ khuyết tật, khiến trẻ gặp khó khăn trong học tập.

PGS.TS. Phan Thanh Long - Chủ nhiệm Khoa Giáo dục đặc biệt (GDĐB), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, khoa GDĐB đã phối hợp với tổ chức UNICEF Việt Nam và Đại học Wakayama Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu khảo sát đánh giá thực trạng và sáng kiến giảm thiểu tác động của BĐKH và ONKK tới trẻ khuyết tật và giáo dục trẻ khuyết tật. Kết quả nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề cần được công bố rộng rãi.

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến - Học Viện Quản lý Giáo dục, cần có giải pháp cụ thể để đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin, giáo dục bảo vệ môi trường (GDBVMT) và kỹ năng ứng phó với thiên tai và BĐKH cho trẻ em khuyết tật từ sớm qua các chương trình giáo dục và trị liệu, phục hồi chức năng (PHCN) cho trẻ khuyết tật tại các trung tâm can thiệp sớm. Từ năm 2020, Bộ TNMT và Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng một chương trình GD BVMT mang tính hệ thống từ bậc học mầm non đến THPT. Tuy nhiên rất tiếc là các chương trình này chưa đề cập và bao gồm cho học sinh khuyết tật. Nói cách khác, học sinh khuyết tật vẫn đứng ngoài những chương trình GDBVMT và BĐKH ở dưới bất cứ hình thức nào…

Các đại biểu tham gia Hội thảo bằng hình thức trực tuyến

Một nhóm các chuyên gia đến từ Đại học Wakayama Nhật Bản đã chia sẻ các nghiên cứu trường hợp về sự phát triển xã hội và học tập của học sinh tiểu học có khuyết tật học tập thông qua các hoạt động tự lực ở các lớp nhu cầu đặc biệt. Theo nhóm chuyên gia này, trước khi tổ chức hoạt động giáo dục họ đã tiến hành các đánh giá nhằm xác định các nhu cầu giáo dục đặc biệt của học sinh. Dựa trên kết quả đánh giá, nhóm chuyên gia đã xây dựng mục tiêu các hoạt động tự lực cho mỗi học sinh, đồng thời lưu tâm đến nội dung và cách tiếp cận ở các lớp học.

Bằng việc công bố các nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, các nghiên cứu viên, các chuyên gia và các bậc phụ huynh có cơ hội để trao đổi kinh nghiệm và giải pháp để giảm thiểu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí tới giáo dục và trẻ em khuyết tật.

Theo Báo Văn Hóa

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: