PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách, TN&MT phát biểu tại hội thảo
Qua 3 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ các hoạt động tăng cường năng lực cho các bên liên quan ở cấp Trung ương và địa phương trong việc lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái vào khung thể chế về thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) và vào các quy hoạch phát triển. Theo ông PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách, TN&MT, đến nay, dự án đã hỗ trợ đánh giá được tình trạng dễ bị tổn thương của các hệ thống sinh thái xã hội tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, từ đó, các tỉnh cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH đến năm 2020. Nội dung EbA cũng được xem xét lồng ghép trong quá trình xây dựng một số văn bản pháp luật quan trọng như Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, Luật Quy hoạch. Điều này đã góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược về ứng phó với BĐKH và các kế hoạch cụ thể như Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030...
Ông Joerg Roeger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Từ năm 2016, dự án đã triển khai các mô hình thí điểm các biện pháp EbA tại những vùng ven biển bị xói lở và cát bay tại tỉnh Quảng Bình thông qua hoạt động trồng và phục hồi rừng phòng hộ ven biển kết hợp các hoạt động tạo sinh kế như nuôi bò, nuôi cá nước ngọt và trồng rau. Ở Hà Tĩnh, dự án thí điểm các biện pháp EbA ở những vùng núi cao trong điều kiện hạn hán, thông qua các mô hình làm giàu rừng tự nhiên bằng cây bản địa kết hợp trồng cam đặc sản Hà Tĩnh, trồng dứa theo đường đồng mức và nuôi ong.
Đặc điểm chung của hai vùng được chọn làm thí điểm các biện pháp EbA là sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực của BĐKH. Họ sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, hạn chế trong tiếp cận với các quy trình kỹ thuật để áp dụng cho sản xuất nông lâm nghiệp.
Chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe khi đến thăm các địa phương thí điểm, ông Joerg Roeger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cho biết, cách vườn quốc gia Pù Mát (Hà Tĩnh) không xa, các hộ gia đình ở Son Tho đã phủ xanh đồi núi và trồng cây hoa màu quanh các sườn dốc. Rừng cây giúp trữ nước trong mùa khô, bảo vệ phần đất thấp hơn khỏi xói lở từ những trận mưa lớn, chắn gió nóng cho các diện tích hoa màu. Đó chính là thích ứng dựa vào hệ sinh thái. Cách tiếp cận này không chỉ đem lại năng suất mùa màng mà còn bảo tồn đa dạng sinh học, làm cho hệ sinh thái có sức chống chịu tốt hơn trước các biến đổi sau này.
Toàn cảnh hội thảo tổng kết
Với những kết quả đạt được, thích ứng dựa vào hệ sinh thái được xác định như một biện pháp thích ứng hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Tại Hội thảo, các bên liên quan trao đổi, thảo luận về các kết quả đạt được, khả năng nhân rộng các kết quả và bài học kinh nghiệm của dự án sau khi kết thúc.
Nguồn: Báo TN&MT