Đổi mới trong hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 14-05-2019 | Lượt xem: 1478
Bộ TN&MT với sự hỗ trợ của nhóm tư vấn EU và các đối tác phát triển đang xây dựng một chương trình hỗ trợ thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (gọi tắt là NDC-IP) nhằm tăng cường điều phối thực hiện Thỏa thuận Paris giữa các Bên liên quan, cung cấp tài chính để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ và tăng khả năng chống chịu khí hậu trong phát triển, đặc biệt, việc thực hiện các dự án liên tỉnh, liên lĩnh vực.
Anh trang 8


Tăng cường chính sách về biến đổi khí hậu

Chương trình SP-RCC được thực hiện từ năm 2010 đến nay và đã trở thành diễn đàn lớn nhất Việt Nam về trao đổi, xây dựng chính sách và hỗ trợ ứng phó với biến đối khí hậu (BĐKH). Thông qua Chương trình SP-RCC, các Bộ, ngành và các đối tác phát triển (WB, AFD, JICA…) trao đổi, thảo luận và xây dựng 400 hành động chính sách liên quan đến ứng phó BĐKH.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Chương trình SP-RCC đã giúp Việt Nam huy động trực tiếp tài chính trên 1,4 tỷ đô la. Nhiều đối tác phát triển không là thành viên của chương trình cũng tham gia đối thoại và sử dụng kết quả đối thoại làm định hướng triển khai hỗ trợ cho Việt Nam. Nhờ đó, Chương trình đã được biết đến rộng rãi trong nước và được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn quốc tế như là một mô hình hiệu quả huy động hỗ trợ ứng phó với BĐKH.

Theo ông Tấn, bối cảnh hiện nay đã có nhiều biến chuyển quan trọng. Việt Nam cùng nhiều quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về BĐKH - cơ sở pháp lý quan trọng ràng buộc trách nhiệm các Bên trong thực hiện giảm nhẹ từ 2021 trở đi. Bởi thế, yêu cầu cấp thiết hiện nay là tập trung nguồn lực để triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris các cấp, đạt được các cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Chương trình SP-RCC vì vậy cần có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp để thúc đẩy các hành động mạnh mẽ vì khí hậu.

Qua tham vấn với các đối tác phát triển và các Bộ, ngành, Bộ TN&MT đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Từ năm 2019 trở đi, việc đối thoại chính sách ứng phó với BĐKH của Việt Nam được thực hiện trên cơ sở đối thoại về việc thực hiện nội dung trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, trong đó, có thực hiện NDC. Nội dung thảo luận bao gồm tiến độ thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các đối tác phát triển. Kết quả thảo luận định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan đề xuất hình thức thay thế Chương trình SP-RCC từ năm 2020 phù hợp tình hình thực tế và tăng hiệu quả huy động nguồn vốn ODA cho Chương trình Hỗ trợ Ứng phó với BĐKH, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định vào giữa năm 2019.

Thúc đẩy điều phối liên lĩnh vực, liên vùng

Theo các chuyên gia tư vấn, để thay thế SP-RCC, Chương trình NDC-IP cần dựa trên kinh nghiệm thu được từ Chương trình SP-RCC và giải quyết được các hạn chế, vướng mắc trước đó. Đặc biệt, cần có sự tham gia rộng rãi hơn của các đối tác phát triển, Bộ, ngành, địa phương; tập trung vào kết quả và hỗ trợ đạt được các mục tiêu của NDC và tăng cường chất lượng đối thoại chính sách giữa các cơ quan Chính phủ với các đối tác phát triển.

Bên cạnh đó, phải có sự liên hệ giữa hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư với các kết quả cần đạt được nêu NDC, từ đó, thúc đẩy, tạo thuận lợi cho đối thoại và đổi mới chính sách hướng đến phát triển ít phát thải và tăng chống chịu khí hậu. Sẽ có các cuộc thảo luận chuyên sâu  để làm rõ sự khác biệt do xây dựng Chương trình NDC-IP mang lại đối với hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương trong ứng phó BĐKH.

Ông Yasuhiro Kasuya, đại diện JICA (Nhật Bản) khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam về việc xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời, đề nghị tăng cường vai trò của Chính phủ (trong đó, có vai trò của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan...) trong điều phối, chia sẻ thông tin về giảm phát thải khí nhà kính. Để làm được điều này, cần có sự phân biệt trách nhiệm rõ ràng giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, tăng trưởng xanh...

Dự kiến khi đưa vào hoạt động, Chương trình NDC-IP sẽ tạo thuận lợi để chia sẻ thông tin và tăng cường điều phối thực hiện trong Thỏa thuận Paris giữa các bên liên quan của quốc gia với nhau và với các đối tác phát triển, thống nhất trong lựa chọn hành động ưu tiên và giám sát việc thực hiện hàng năm. Qua đó, cung cấp tài chính để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ và tăng khả năng chống chịu khí hậu trong phát triển, đặc biệt, đối với thực hiện các dự án liên tỉnh, liên lĩnh vực.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: