COP 25 bước vào phiên phiên họp cấp cao

Đăng ngày: 11-12-2019 | Lượt xem: 1618
Trong hai ngày 10 và 11/12 chính thức diễn ra Phiên cấp cao tại Hội nghị lần thứ 25 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) tại Madrid, Vương quốc Tây Ban Nha.

Phát biểu tại lễ khai mạc phiên cấp cao tại COP 25, ông Petteri Taalas – Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, theo 2 nghiên cứu mới được công bố vào năm 2019 của tổ chức này, sự nóng lên toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng. Đến nay nhiệt độ trái đất đã khoảng 1,1OC kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe và an ninh lương thực (trên 800 triệu người hiện bị thiếu lương thực).

Chủ tịch COP25, Bộ trưởng Môi trường Chi-lê Carolina Schimidt cảnh báo rằng hạn hán, cháy rừng và lũ lụt đang xảy ra với người dân ở khu vực Mỹ La-tinh và Caribê. Hội nghị COP 25 cần nâng cao tham vọng của các cam kết, vận động sự tham gia từ chính quyền khu vực, địa phương, thành phố và các lĩnh vực sản xuất, tài chính. Do đó, tại Hội nghị này, Chủ tịch COP25 đã đề nghị sự tham gia từ không chỉ các Bộ trưởng môi trường mà cả các Bộ trưởng nông nghiệp, khoa học, năng lượng và tài chính.

Toàn cảnh khai mạc phiên cấp cao

Tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao, bà Patricia Espinosa Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết các bằng chứng khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và khốc liệt hơn dự tính. Báo cáo IPCC chỉ ra rằng, khu vực Châu Mỹ La tinh và Caribe đã ấm hơn từ 0,70C tới 10C so với những năm 1970. Tại các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do hiện tượng thời tiết cực đoan như Honduras, Haiti, Dominica, Nicaragua, nền kinh tế đã thụt lùi vài thập kỷ. Bà cho biết, cánh cửa cơ hội đang đóng lại và đưa thông điệp rõ ràng tới các nhà lãnh đạo: “Chúng ta không còn thời gian nữa. Chúng tôi cần sự lãnh đạo, hành động quyết liệt của các ngài.”.

Ông Tijjani Muhammad Bande, Chủ tịch của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc cho biết, cam kết trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) là chưa đủ để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá so với mục tiêu đề ra. Việc không đạt đươc kỳ vọng giảm phát thải toàn cầu sẽ dẫn tới hệ quả nhiệt độ có thể tăng 3-4 độ C vào cuối thế kỷ. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, cần hợp tác với các thành phố, các lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, các Tổ chức Phi chính phủ, cộng đồng dân tộc thiểu số để thực hiện các hành động ở cấp quốc gia và toàn cầu.

Chúng ta cần hành động ngay để bảo vệ sự sống, sinh kế và nhà ở cho người dân. Việc thực hiện Thoả thuận Paris và đảm bảo chuyển đổi nền kinh tế phát thải cácbon thấp, chống chịu khí hậu đòi hỏi huy động nguồn lực và đầu tư từ khu vực công, tư, trong nước và quốc tế. Các nước phát triển đã đồng ý hỗ trợ các nước đang phát triển bằng việc huy động 100 tỷ Đô la hàng năm vào năm 2020. Thời hạn sắp tới nhưng nguồn lực vẫn thấp. Chúng ta cần phải đẩy nhanh huy động nguồn lực để có thể đáp ứng nhu cầu thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính.

Ca sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha Alejandro Sanz nhấn mạnh rằng mọi người đều có trách nhiệm hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu. “Chúng ta đều là nguyên nhân và cũng sẽ là một phần giải pháp”

Các bài phát biểu của người đứng đầu Chính phủ, Quốc gia, các nhóm nước, các Bộ trưởng, trưởng đoàn bắt đầu ngay sau khi phiên khai mạc cấp cao kết thúc. Ngay sau đó là các bài phát biểu của các Tổ chức phi Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Đoàn cấp cao Việt Nam tại COP 25

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị COP25. Trưởng đoàn cấp cao của Việt Nam sẽ phát biểu tại phiên cấp cao vào sáng ngày 11 tháng 12 năm 2019 (Thứ Tư) theo giờ địa phương.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH (VPCC); đại diện Văn phòng Chính phủ.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: