COP 25: Việt Nam tham gia nhiều sự kiện bên lề

Đăng ngày: 09-12-2019 | Lượt xem: 1426
Bên cạnh việc tham dự các Phiên họp chính thức của Hội nghị COP25 tại Mandrit (Tây Ban Nha), các thành viên Đoàn Việt Nam tham dự nhiều sự kiện bên lề Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực.

Sự kiện bên lề về Thúc đẩy thực hiện Cơ chế JCM để hỗ trợ triển khai NDC – Nhân rộng các dự án và sự tham gia của các bên liên quan do Trung tâm Hợp tác môi trường quốc tế (OECC), Nhật Bản chủ trì tổ chức.Mục tiêu của sự kiện nhằm chia sẻ thông tin về tình hình thực hiện JCM và trao đổi về cách thức để nhân rộng JCM và triển khai có hiệu quả, bao gồm đóng góp vào thực hiện NDC.

Tham dự và trình bày tại sự kiện có đại diện của Vụ Cơ chế thị trường (Bộ Môi trường Nhật Bản), Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam), Tổ chức Quản lý KNK Thái Lan (Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan), OECC và Ngân hàng Thế giới.

Nội dung trình bày tập trung vào cập nhật hiện trạng JCM giữa Nhật Bản và 17 quốc gia đối tác, vai trò của cơ chế thị trường và việc nhân rộng JCM để hỗ trợ thực hiện NDC tại các quốc gia, các cơ chế hợp tác có thể liên kết khi nhân rộng JCM và một số kinh nghiệm trong triển khai JCM.

Các đại biểu cũng trao đổi về làm thế nào để nhân rộng JCM và triển khai có hiệu quả, góp phần thực hiện NDC. Nhân rộng các dự án thông qua việc tận dụng các lợi ích về hiệu quả kinh tế do cơ chế JCM mang lại (hỗ trợ tài chính, giảm các chi phí đầu tư ban đầu, tận dụng các bài học kinh nghiệm có sẵn của Nhật Bản); lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải KNK lớn, tính sẵn sàng của các công nghệ tiên tiến mới để thay thế.

Đại diện của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng để nhân rộng các dự án JCM có thể thực hiện theo các cách thức như mở rộng lĩnh vực ưu tiên, tăng quy mô các dự án, tăng số lượng các dự án, bên cạnh đó các hoạt động quan trọng khác là tăng cường năng lực cho các bên tham gia dự án và cần có sự cân bằng giữa tỉ lệ chi phí đầu tư ban đầu và tỉ lệ tín chỉ nhận được của dự án.

Đại diện đoàn Việt Nam tham dự sự kiện bên lề Thúc đẩy thực hiện Cơ chế JCM để hỗ trợ triển khai NDC – Nhân rộng các dự án và sự tham gia của các bên liên quan

Tham dự sự kiện bên lề do Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) tổ chức, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết kế hoạch thích ứng trong lĩnh vực nông nghiệp đã được xây dựng bao gồm đánh giá tính dễ bị tổn thương, phân tích đồng lợi ích để xác định và xác định ưu tiên trong kế hoạch thích ứng. Tiếp tục với nỗ lực toàn cầu để tăng kỳ vọng  phát thải và thực hiện Thoả thuận Paris, lĩnh vực nông nghiệp đagn tiến hành rà soát và cập nhật NDC để rà soát ưu tiên các lựa chọn để bổ sung vào NDC quốc gia. Nội dung này sẽ được lồng ghép vào chiến lược ngành và góp phần xây dựng Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội của quốc gia.

 Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tham gia sự kiện bên lề về thích ứng trong nông nghiệp

Sự kiện bên lề về Lồng ghép lĩnh vực xây dựng và tòa nhà vào Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC)do Liên minh toàn cầu về xây dựng và tòa nhà (GABC) đồng tổ chức với NDCP với sự tham dự của đại biểu của các quốc gia Morroco, Argentia, Mexico, Pháp, Đức và Việt Nam là thành viên của GABC và tham gia vào chương trình hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà (PEEB) do GABC, GIZ và Cơ qua năng lượng và môi trường Pháp (Ademe) tài trợ. Các đại biểu đã chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về lồng ghép các hoạt động của ngành xây dựng, đặc biệt là các hoạt động về hiệu quả năng lượng vào NDC nhằm tăng cường các cam kết quốc gia cũng như tạo điều kiện hình thành ngành xây dựng xanh.

Đại biểu Việt Nam đã chia sẻ các chính sách của ngành xây dựng của Việt Nam như các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hiệu quả năng lượng của ngành xây dựng, quá trình xây dựng bộ tiêu chí tòa nhà xanh của ngành xây dựng Việt Nam cũng như các hoạt động xây dựng hệ thống MRV ngành xây dựng, cụ thể là cho các tòa nhà có áp dụng các biện pháp hiệu quả năng lượng, thống nhất với hệ thống MRV quốc gia.

GABC đã cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia tham gia GABC trong các hoạt động về hiệu quả năng lượng, kiểm kê KNK trong ngành xây dựng và trong năm 2020 sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin toàn cầu về hiệu quả năng lượng cho ngành xây dựng nhằm đảm bảo các quốc gia có thể sử dụng để áp dụng đối với quá trình xây dựng, rà soát và cập nhật NDC.

Đại diện đoàn Việt Nam phát biểu tại Sự kiện bên lề về Lồng ghép lĩnh vực xây dựng và tòa nhà vào NDC

Tại COP 25, Cục Biến đổi khí hậu và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phối hợp tổ chức Hội nghị bên lề về quy trình đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) trong lĩnh vực Năng lượng và Giao thông vận tải.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, MRV là vấn đề mới đối với Việt Nam. Các vấn đề này cần theo sát các quy định của Chính phủ để đưa vào các quy định có tính khả thi, nhằm đảm bảo lượng giảm phát thải là thật, được chấp thuận và chuẩn bị cho nỗ lực toàn cầu năm 2023.

Khung minh bạch là một hợp phần quan trọng của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra (MRV) cho các hoạt động giảm nhẹ ở cấp quốc gia và cấp ngành. Việt Nam đang triển khai một số dự án trong lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải được hỗ trợ bởi Quỹ công nghệ sạch (CTF).

Đại diện đoàn Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập hệ thống MRV cấp quốc gia trong việc thực hiện hiệu quả cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Quá trình xây dựng hệ thống MRV cấp quốc gia sẽ tận dụng hiệu quả các kinh nghiệm từ xây dựng các báo cáo khí hậu định kỳ và các nghiên cứu, thí điểm đã được thực hiện cho hệ thống MRV cấp ngành/dự án. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống MRV cấp quốc gia/ngành và thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Đại diện từ Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng đã thảo luận về các phương pháp tiếp cận chính, những thách thức và thực tiễn tốt trong việc phát triển hệ thống MRV hiệu quả ở cấp độ ngành. Qua đó, khẳng định việc thiết lập hệ thống MRV cấp quốc gia sẽ là một văn bản pháp lý quan trọng, góp phần định hướng cho hệ thống MRV cấp ngành/dự án.

 Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn (thứ 2 trái sang) phát biểu tại sự kiện về MRV 

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ tại sự kiện bên lề

Chỉ trong vòng một năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á ở thời điểm này.

Ngày 05 tháng 12 năm 2019, tại sự kiện bên lề của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã (WWF), đại diện của Bộ TN&MT  đã có bài chia sẻ về những kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Bài trình bày đã giới thiệu tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Bài trình bày cũng đề cập đến những rào cản và cơ hội trong phát triển thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, người dân và các bên liên quan để đảm bảo sự chấp nhận và tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi từ các dự án năng lượng tái tạo. Về lâu dài, cần áp dụng các công nghệ để khai thác tốt hơn năng lượng mặt trời và năng lượng gió; nâng cấp hệ thống truyền tải điện cũng như số hóa hệ thống điều khiển để cân bằng các nguồn điện trên hệ thống.

Phát biểu tại sự kiện bên lề “Hướng tới ASEM không chất thải nhựa – các thực tiễn 3R ở Châu Á và Châu Âu”do Diễn đàn môi trường Á-Âu (ASEF) và Văn phòng Liên hợp quốc về phát triển bền vững (UNOSD) tổ chức, TS. Nguyễn Trung Thắng, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường đã chia sẻ thực tiễn tốt, kinh nghiệm hay về 3Rs ở các nước ASEM.

Chất thải nhựa hiện đang là vấn đề được thế giới quan tâm về các tác động gây ô nhiễm, suy giảm hệ sinh thái và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, nhựa cũng gắn với phát thải KNK trong suốt vòng đời. Theo Báo cáo của Trung tâm luât môi trường quốc tế (CIEL) và các nghiên cứu của UNEP, OECD, hiện thế giới sản xuất hơn 400 triệu tấn nhựa mỗi năm và thải ra 300 triệu tấn chất thải nhựa. Năm 2019, ước tính có khoảng 0,86Gt CO2tđ phát sinh từ sản xuất và xử lý chất thải nhựa, dự kiến sẽ tăng lên 2,8 Gt CO2tđ vào năm 2050. Ở các nước ASEM hiện đã có nhiều thực hành về 3R đối với chất thải nhựa như giảm sử dụng các loại bao gói, túi nilon ở Thái Lan, Việt Nam, Anh…, tái sử dụng chai đựng thong qua chương trình refill ở Anh, Pháp. Tăng cường phân loại, thu gom được thực hiện ở Indonesia, Trung Quốc, Malaysia… Tái chế chai PET được đẩy mạnh ở Nhật Bản, cơ chế EPR thực hiện thành công ở Hàn Quốc. Nhiều thỏa thuận tự nguyện giữa chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức đã được triển khai ở châu Âu, châu Á…. Tuy nhiên, vấn đề phát thải KNK trong suốt vòng đời của nhựa chưa được quan tâm, việc tiếp cận xử lý vấn đề nhựa chưa được tiếp cận theo phương thức nền kinh tế tuần hoàn, chủ yếu vẫn từ góc độ quản lý chất thải, hoạt động tái chế còn nhiều bất cập, chưa có nhiều hoạt động hướng tới tìm được các vật liệu thay thế…

Hội thảo cũng đã nghe các bài tham luận của các chuyên gia của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Đại học quốc gia Singapore và UNOSD về vấn đề chất thải nhựa.

Đại diện đoàn Việt Nam tham dự hội thảo bên lề về chất thải nhựa

Tại phiên thảo luậnsự kiện bên lề về xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, đại diện Bộ Công Thương đã chia sẻ, thảo luận về cơ hội thu hút sự tham gia thưc hiện NDCs của khối tư nhân. Trong đó, đối với Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả là hai lĩnh vực nhận được sự quan tâm của khối tư nhân và sẽ là phần đóng góp quan trọng cho việc đạt mục tiêu NDC Việt Nam đến năm 2030. Các cơ chế chính sách về phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm  năng lượng ngày càng được hoàn thiện và tạo điều kiện cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng Việt Nam.

 Đại diện Bộ Công Thương tham gia sự kiện bên lề về xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực năng lượng

Trước đó đại diện Việt Nam tham dự sự kiện bên lề về Phụ nữ và Thanh niên yếu tố thay đổi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu do Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Chương trình Phát triển Lên Hiệp quốc (UNDP) tổ chức

Mục tiêu của sự kiện nhằm nhấn mạnh và chia sẻ kinh nghiệm về các can thiệp giới giúp tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào và chia sẻ vai trò của phụ nữ và thanh niên đóng vai trò là tác nhân của sự thay đổi trong các hành động tại các nước đang phát triển trong quá trình xây dựng chính sách và thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại sự kiện bên lề, đại diện Việt Nam chia sẻ hợp tác với GIZ, UNDP, UNWOMEN, nhóm CCWG lồng ghép giới trong quá trình rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. Phụ nữ chiếm 50% dân số và thực hiện nhiều biện pháp ứng phó liên quan tới thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ sinh thái tuy nhiên nỗ lực của họ chưa được ghi nhận một cách đúng mức. Chúng tôi hoan nghênh việc thảo luận nội dung giới và biến đổi khí hậu trong các phiên đàm phán. SBI51 đang rà soát Chương trình làm việc Lima về giới và kế hoạch hành động. Hàng năm chúng ta chứng kiến đại diện nữ tới từ nhiều nơi trên trên giới tham dự Hội nghị COP và chia sẻ các gương điển hình trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu. Dự án của SNV hỗ trợ tạo việc làm cho người dân địa phương giúp thay đổi vùng đất khô cằn thành nơi trồng măng tây giúp cải tạo đất và tăng thu nhập cho người dân là một minh chứng của sự thay đổi.

Đại diện đoàn Việt Nam phát biểu tại sự kiện bên lề về Phụ nữ và Thanh niên yếu tố thay đổi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo monre 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: