Hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi
Trên cánh đồng sen của ông Võ Văn Lòi, thôn An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy), người dân đang tấp nập thu hoạch sen. Ông Lòi cho biết, hiện đang là thời điểm thu hoạch sen nên mỗi ngày ông phải thuê 12-14 nhân công mới đủ cung ứng sen tươi cho thương lái. Vụ sen năm nay, gia đình ông trồng 6,5ha sen kết hợp với nuôi vịt và các loại cá, như: lóc, chép, diếc....
Theo ông Lòi, sen là loại cây rất dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ mất chi phí cho lần xuống giống đầu tiên, sau đó chăm sóc bón phân và thu hoạch. Sen được trồng 1 vụ/năm bắt đầu từ tháng 2 và sau gần 3,5 tháng có thể cho thu hoạch, sen nở rộ vào tháng 6 đến tháng 8.
Thời điểm này, hạt sen tươi rất được ưa chuộng nên thương lái tìm đến thu mua tận nơi với giá từ 40-50 nghìn đồng/kg.
Theo dự tính của ông Lòi, vụ sen này, gia đình ông thu hoạch gần 12 tấn hạt sen, cho thu nhập gần 500 triệu đồng. “Diện tích này trước đây gia đình tôi trồng lúa, nhưng vì đất xấu, thường xuyên bị ngập lụt nên năng suất lúa đạt thấp. Nhận thấy trồng lúa không hiệu quả, tôi mạnh dạn chuyển đổi qua trồng sen kết hợp nuôi cá. So với trồng lúa, trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần”, ông Lòi chia sẻ.
Ông Võ Văn Lòi, thôn An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) mạnh dạn chuyển đổi 6,5ha đất trồng lúa sang trồng sen kết hợp nuôi cá.
Ông Trần Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy cho biết, huyện Lệ Thủy hiện có hơn 25ha trồng sen, tập trung tại các xã: Lộc Thủy, Liên Thủy, Sơn Thủy, Mỹ Thủy, Xuân Thủy, Phong Thủy. Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá đang là hướng đi mới đem lại hiệu quả cao cho người dân, với thu nhập bình quân từ 100-150 triệu đồng/ha.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất vùng gò đồi thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa) đã phát triển đa dạng các loại cây trồng, như: cam, ổi, bưởi, cây dược liệu…, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Quyết Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hóa cho biết, trước đây, trên đất vườn đồi, người dân chủ yếu trồng keo tràm, sắn và một số loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp. Nhưng sau khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó tập trung phát triển các mô hình trồng cây ăn quả.
Hiện, trên địa bàn xã Sơn Hóa có 25 mô hình trồng cam, ổi, bưởi, chanh… đem lại hiệu quả kinh tế cao, với thu nhập bình quân từ 50-70 triệu đồng/năm.
Gia đình anh Thái Văn Thuận, thôn Kim Sơn đã phát triển hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Sơn Hóa. Nhờ áp dụng khoa học-kỹ thuật, hơn 2ha cam, bưởi, ổi của gia đình anh đang phát triển tốt, cho năng suất cao.
Anh Thuận chia sẻ: “Tôi bắt đầu xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trên đất vườn đồi vào năm 2019. Thời gian đầu, tôi trồng cam, bưởi, sau đó mở rộng thêm diện tích trồng ổi. Những ngày đầu bắt tay vào thực hiện mô hình tôi chưa có kinh nghiệm nên khâu chọn giống và khâu tiêu thụ gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng hiện tại, vườn cây ăn quả của gia đình tôi đã có lượng khách ổn định, nhiều thương lái đến thu mua tận vườn. Từ mô hình cây ăn quả, gia đình tôi thu về hơn 150 triệu đồng/năm”.
Vụ đông-xuân 2020-2021, toàn tỉnh chuyển đổi hơn 112ha đất lúa hiệu quả thấp sang trồng các cây trồng khác. Trong đó, chuyển đổi sang cây trồng cạn hơn 87ha (lạc 34,5ha, sen 14,8ha, dưa hấu 15ha, ngô 11ha…); chuyển đổi sang mô hình kết hợp lúa-cá hơn 25ha; năng suất ước tính đạt 20-30 tạ/ha.
Hiệu quả kinh tế của cây trồng chuyển đổi tương đối cao, trung bình lãi từ 10-30 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
“Bên cạnh các mô hình sen, lạc… cho hiệu quả kinh tế cao, một số địa phương trong toàn tỉnh đã trồng thử nghiệm cây dừa xiêm trên vùng đất hoang hóa, cồn bãi với diện tích hơn 10ha. Dừa xiêm là loại cây dễ trồng, chống chịu được khô hạn, ngập úng, mặn và gió bão. Bước đầu mô hình này phát triển khá tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay.
Hướng đến sản xuất bền vững
Ông Trần Duy Hưng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, trước tình hình BĐKH ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, trên những vùng ruộng không đủ nước tưới để sản xuất lúa hè-thu hoặc sản xuất tái sinh kém hiệu quả, UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn, như: ngô, đậu xanh, dưa hấu có nhu cầu nước thấp, phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng và có thị trường ổn định.
Ngay sau khi thu hoạch vụ đông-xuân, người dân đã tập trung làm đất, lên luống gieo trồng các loại cây trồng nhằm tranh thủ độ ẩm của đất và thu hoạch sớm trước ngày 25-8 để tránh chuột, mưa lụt. Vụ hè-thu 2021, huyện Lệ Thủy đã chuyển đổi 23ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Những diện tích chuyển đổi hoàn toàn, lâu dài huyện sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.
Theo ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa, Tuyên Hóa là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của BĐKH, nguồn nước sông Gianh bị xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được. Để thích ứng với BĐKH, các địa phương trên địa bàn huyện đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác, như: ớt, ngô, lạc…
Vụ đông-xuân 2020-2021, người dân huyện Minh Hóa phấn khởi vì cây lạc được mùa, được giá
Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các xã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung đưa các giống ngắn ngày, chất lượng cao, chịu hạn tốt vào sản xuất. Giai đoạn 2021-2025, huyện Tuyên Hóa sẽ tập trung chuyển đổi trên 100ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác; phát triển sản xuất gạo hữu cơ, tăng giá trị sản phẩm; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học, thích ứng với BĐKH.
Theo ông Nguyễn Hương Liên, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để ứng phó với BĐKH, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng kết hợp với bố trí lịch thời vụ hợp lý để tránh những bất lợi của thời tiết; ưu tiên sử dụng bộ giống ngắn ngày và cực ngắn ngày có khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt, giống có khả năng thích ứng với BĐKH.
Bà con nông dân cũng tích cực chuyển đổi các diện tích trồng lúa không chủ động nước sang trồng các loại cây chịu hạn khác có năng suất cao hơn; tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, như: sử dụng phân bón hữu cơ, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI...
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ: “BĐKH phát sinh nhiều khó khăn, thách thức nhưng để thích ứng với BĐKH, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi mới đạt kết quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Dự kiến đến năm 2025, Quảng Bình sẽ thực hiện chuyển đổi linh hoạt 2.500ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, như: ngô, dưa hấu, lạc, sen, lúa-cá... Chuyển đổi diện tích gần 2.000ha đất cao su kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, như: mít ruột đỏ,.."
Báo Quảng Bình