Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Uỷ ban Sông Mê Kông giữ vai trò quan trọng trong vấn đề phát triển vùng ĐBSCL

Đăng ngày: 08-12-2017 | Lượt xem: 1286
(TN&MT) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn thể Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng các đơn vị thành viên phải tăng cường cơ chế phối hợp, gắn trách...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Uỷ ban Sông Mê Kông giữ vai trò quan trọng trong vấn đề phát triển vùng ĐBSCL

Tham mưu cho Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp cả về kỹ thuật và hợp tác đối ngoại

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Kể từ Hội nghị Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam tổ chức tại TP. Cần Thơ vào tháng 5/2017, lưu vực Sông Mê Kông tiếp tục chịu nhiều tác động khó lường gia tăng. Nhu cầu khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn gia tăng mạnh, làm giảm dòng chảy mùa kiệt, giảm lượng phù sa. Lũ nhỏ cùng với triều cường, nước biển dâng làm xâm nhập mặn sâu hơn vào nội vùng. Biến đổi khí hậu cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan đang là thách thức ngày càng hiện hữu đối với các ngành sản xuất, đời sống dân sinh và sự phát triển KT-XH của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng sạt lở nghiêm trọng tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương đã và đang gây ra nhiều thiệt hại to lớn đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp cả về kỹ thuật và hợp tác đối ngoại trong khuôn khổ của hợp tác Mê Công.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Văn phòng Thường trực Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam đã khái quát tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ủy ban, Nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch hành động Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam đến năm 2020.

Dựa trên kết quả từ Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính Sông Mê Kông và các Nghiên cứu chiến lược do Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban đã tham mưu cho Chính phủ về các vấn đề thủy điện dòng chính, diễn biến phù sa bùn cát trên lưu vực và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban tiếp tục theo dõi diễn biến của tình hình phát triển trên thượng nguồn, tiến hành các nghiên cứu chi tiết, tổng thể tác động và kiến nghị các đối sách, các giải pháp ứng phó tác động cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong năm 2017, Ủy ban phối hợp với các quốc gia thành viên khác của Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế và Ban thư ký Ủy hội đã tiến hành tham vấn trước Dự án thủy điện Pắc-Beng theo đề nghị của Lào. Sau 6 tháng tiến hành tham vấn, Ủy hội đã ra được Tuyên bố chung xác định trách nhiệm của các bên trong mục tiêu giảm thiểu tác động của công trình đối với các quốc gia ven sông. Ủy ban sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố chung và theo dõi diễn biến tình hình phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, để kịp thời tham vấn cho Đảng và Nhà nước các đối sách và cập nhật thông tin cho các bên liên quan.

Đối với hoạt động hợp tác trong Uỷ hội Sông Mê Kông quốc tế, Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam đã phối hợp tốt với các nước thành viên trong Ủy hội để thúc đẩy thực hiện các cam kết cấp cao trong các Tuyên bố Hủa Hỉn (2010) và Tuyên bố thành phố Hồ Chí Minh (2014), thực hiện Kế hoạch chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; hoàn thành Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, bao gồm tác động của các dự án thủy điện dòng chính; xây dựng các chiến lược ngành với mục tiêu phát triển bền vững; duy trì hệ thống quan trắc tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan toàn lưu vực và bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định…

Để thực hiện tốt Kế hoạch hành động của Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam (2018 – 2020), ông Lê Đức Trung kiến nghị các Bộ, ngành địa phương thành viên tăng cường quán triệt và thực hiện các quy định của Hiệp định Mê Công 1995, đặc biệt là Thủ tục Thông báo Tham vấn trước và Thỏa thuận.

Lưu ý đến yêu cầu đánh giá tác động thượng nguồn và biến đổi khí hậu đến lĩnh vực quản lý của mình (thủy sản, giao thông thủy, sinh thái…) trước tình hình thiếu số liệu, thiếu phương pháp công cụ đánh giá, chuyên gia…

Phối hợp hỗ trợ Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam trong chia sẻ thông tin số liệu, mối quan tâm, đóng góp ý kiến cho các nghiên cứu và hoạt dộng của Ủy ban. Hỗ trợ Văn phòng Thường trực Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam trong các hoạt động khảo sát nghiên cứu, thực hiện dự án của Ủy hội thuộc lĩnh vực địa bàn của mình…

Đề xuất đầu mối giúp việc cho các thành viên Ủy ban tại địa phương

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng ý với dự thảo kế hoạch hành động năm 2018 – 2020. Các đại biểu cũng tham gia góp ý Đề án kiện toàn Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam trên cơ sở đảm nhiệm thêm nhiệm vụ của Ủy ban lưu vực sông Cửu Long theo quy định. Đa số các ý kiến đều tán thành việc sáp nhập hai Ủy ban này vào làm một để tăng tính hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Ủy ban.

Các đại biểu cũng đã thảo luận đánh giá một cách khách quan, dự báo, cảnh báo các tác động của hoạt động phát triển của các quốc gia thượng nguồn đối với vùng đồng bằng Sông Cửu Long trên cơ sở đó xác định các giải pháp ứng phó; đề xuất các đối sách, xây dựng các kế hoạch, hoạt động phù hợp trong giai đoạn trước mắt và tầm nhìn dài hạn, góp phần thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị

Ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề xuất bổ sung thêm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động khai thác khoáng sản và chống sạt lở trên dòng sông Cửu Long. Theo ông Dũng, tới đây cần có đầu mối ở địa phương để có quan hệ chặt chẽ và kịp thời phản ánh thông tin ở cơ sở với Ủy ban.

Ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra vấn đề đấu tranh với các nước thượng nguồn về vấn đề chuyển nước, bên cạnh đó là đưa ra các thông tin chính thống để địa phương biết tính toán kế hoạch. “Mùa kiệt không biết có nước hay không hay thấp hơn mọi năm hay không. Đây là vấn đề khó trong hoạt động sản xuất. Đề nghị có thong tin để biết năm nay nước thế nào.” – ông Mai Anh Nhịn nhấn mạnh.

Đại diện của lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đưa ra các ý kiến đóng góp về các vấn đề hiện nay Sông Mê Kông bị tác động nguồn nước chính ở các nước, phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Trong quá trình xây dựng thủy điện xây dựng bờ đập không có phù sa, phù cát, khi ngăn dòng đắp đập ảnh hưởng đến rừng. Kiến nghị Bộ TN&MT quan tâm vấn đề kinh phí bổ sung trồng rừng, quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn, xây dựng các trạm quan trắc nhiều hơn. Bên cạnh đó còn vấn đề dọc bờ sông nhiều khu công nghiệp do đó cần nâng cao vấn đề xử lý nước thải và đề nghị Bộ TN&MT quan tâm hơn vấn đề xả thải.

Đại diện tỉnh Tiền Giang chia sẻ Ủy ban cần có vai trò mạnh mẽ hơn để tham mưu cho Chính phủ trong việc chuyển dòng ngăn dòng do VN là nước cuối nguồn của dòng Mê Công. Trước đó, hạn mặn 2016 đã tác độn đến nhiều tỉnh ĐBSCL gây khó khăn cho địa phương trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và chống Biến đổi khí hậu….

Uỷ ban Sông Mê Kông giữ vai trò quan trọng trong vấn đề phát triển vùng ĐB Sông Cửu Long

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian qua Uỷ ban Sông Mê Kông đã duy trì được các hoạt động thường niên, thực hiện các cuộc họp, xem xét đánh giá các nhiệm vụ triển khai, đề xuất các kế hoạch sắp tới. Công tác tham vấn cũng đưa ra được nhiều đầy đủ thông tin chính xác, có những biện pháp nghiên cứu, giám sát, đánh giá, để cung cấp những cơ sở khoa học cho những quyết định chủ trương quan trọng của Bộ Chính Trị, Chính phủ.

Toàn cảnh hội nghị

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại vẫn chưa được khắc phục đồng thời nhấn mạnh để đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng của Chính phủ thì các đơn vị thành viên phải tăng cường cơ chế phối hợp, gắn trách nhiệm bộ ngành và địa phương, nâng cao các cơ chế chính sách và các chiến lược quy hoạch để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Sông Mê Kông đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Hoan nghênh những ý kiến đóng góp và sự đồng thuận của các đại biểu Ủy viên Ủy ban Sông Mê Kông trong kỳ họp thường kỳ cuối năm của Uỷ ban, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam đã đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm Ủy ban Sông Mê Kông trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ nặng nề và quan trọng là đó là vai trò của Uỷ ban Sông Mê Kông trong vấn đề hợp tác, phối hợp với Uỷ hội Sông Mê Kông quốc tế và các quốc gia ở thượng nguồn; đưa ra các nghiên cứu, giá toàn diện, cung cấp đầy đủ thông tin cho các thành viên Uỷ ban Sông Mê Kông để Uỷ ban báo cáo Chính phủ và có thêm thông tin chủ động trong việc xem xét, điều chỉnh các chiến lược quy hoạch phát triển của vùng và địa phương.

Song song với đó, Uỷ ban Sông Mê Kông cần đề xuất, phối hợp với các quốc gia thượng nguồn để cùng nhau xây dựng giám sát, quan sát về thuỷ văn, khí tượng khu vực chung và cơ sở dữ liệu được chia sẻ chung và chúng ta đề xuất để ban hành các quy chế có sự thống nhất, thoả thuận của các quốc gia xung quanh đến các việc điều tiết vận hành, trao đổi thông tin liên quan đến các hồ đập trên phạm vi các quốc gia thượng nguồn Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần phải xây dựng được trung tâm cơ sở dữ liệu và sớm hoàn thiện mạng lưới quan trắc cho các địa phương có thể sử dụng được hệ thống cơ sở này để điều hành và phát triển kinh tế. Đề xuất năm 2018 sẽ kiến nghị lên Chính phủ, Uỷ hội Sông Mê Kông quốc tế sớm đầu tư xây dựng đồng bộ, liên thông hệ thống quan trắc liên tỉnh, xuyên biên giới.

Đồng thời, để nhận được sự ủng hộ, quan tâm của cộng đồng quốc tế thì Việt Nam tiếp tục duy trì các hình thức ngoại giao giữa địa phương với địa phương, các tổ chức phi chính phủ với phi chính phủ… để cho thấy được tầm quan trọng cũng như những vấn đề sống còn tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tổng kết tại Hội nghị

Một nhiệm vụ hết sức cấp bách trong khu vực là vấn đề sạt lở, sụt lún. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Uỷ ban Sông Mê Kông Việt Nam cần có kiến nghị để sớm có những nghiên cứu, đánh giá lý do sạt lở, sụt lún một cách toàn diện hơn và trên cơ sở đó đưa ra những đề nghị những bên liên quan phải gắn trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, đưa ra những đề án di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ đồng thời đưa ra những phương án bảo vệ ven sông, chống sạt lở…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam có hai con sông Sê San và Srêpôk là những phụ lưu quan trọng của Sông Mê Kông chảy về Campuchia. Do đó, trách nhiệm củ Việt Nam hiện nay rất quan trọng và cho thấy trách nhiệm của Việt Nam vừa là hạ nguồn nhưng đồng thời cũng có lưu vực sông chúng là đầu nguồn. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị phía Việt Nam cũng cần phải tuân thủ và thực hiện một cách gương mẫu các hiệp định liên quan đến chia sẻ nguồn nước trên sông Mê Công, đặc biệt là các sông mà chúng ta là thượng nguồn. “Chúng ta sẽ xây dựng các quy hoạch đồng thời tham vấn với Campuchia để công bố, công khai các công trình và đưa ra quy chế điều tiết nước mà hiện nay chúng ta đã có. Chúng ta phải tuân thủ và thực hiện một cách gương mẫu và điều này sẽ là điểm tiến bộ lớn nếu làm được và chúng ta đặt ra nhiệm vụ này.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng tán đồng ý kiến của các đại biểu cho rằng Uỷ ban Sông Mê Kông cần tăng cường đối ngoại gắn với các Uỷ hội sông khác để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành, vận hành, chia sẻ công nghệ. Đồng thời thành lập những trung tâm thông tin, phối hợp với truyền thông, áp dụng những công nghệ truyền thông mới, tiếp cận thông tin nhanh chóng để tăng cường công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch hành động Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam đến năm 2020. Tương lai tốt đẹp hơn của người dân ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ gắn với trách nhiệm của Uỷ ban Sông Mê Kông Việt Nam.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: