Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh môi trường

Đăng ngày: 29-11-2018 | Lượt xem: 1587
(TN&MT) - Theo nghiên cứu do các nhà khoa học Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của an ninh môi trường tại Việt Nam hiện nay là biến đổi khí...
bao

Bão lũ bất thường gây thiệt hại về người, của cải và ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân

BĐKH đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng khốc liệt; gây ra các biến động không có lợi về môi trường, gây khủng hoảng sinh thái, từ đó đe dọa tới an ninh quốc gia. Theo tài liệu “Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2016”, Việt Nam là quốc gia xếp thứ bảy về rủi ro khí hậu dài hạn trên thế giới. Số liệu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cũng cho thấy, trong hơn 30 năm qua, tại Việt Nam, bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, nền kinh tế thiệt hại bình quân lên tới 1,5 % GDP hàng năm.

Bình quân mỗi năm Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp bởi 6 - 7 cơn bão. Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2010, Việt Nam đã phải trải qua 74 trận lũ lụt. Trong đó đặc biệt phải kể đến các cơn bão như bão Linda năm 1997 đổ bộ vào Nam Bộ gây thiệt hại rất lớn, làm gần 3.000 người chết và mất tích, phá hủy hơn 100.000 ngôi nhà, hơn 300.000 ha lúa bị hư hại; bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung đã làm 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương. Giai đoạn 2011 - 2015, thiên tai đã làm cho 1.141 người chết và mất tích, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 55.400 tỷ đồng, tuy có giảm so với giai đoạn 2006 - 2010 (2.408 người chết và mất tích, thiệt hại 77.200 tỷ đồng), nhưng vẫn còn rất cao.

Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2016 rét đậm, rét hại trên diện rộng ở miền núi phía Bắc, mưa lũ, ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung, khô hạn ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống của người dân. Cụ thể, thiên tai năm 2016 đã làm 248 người chết và mất tích; 470 người bị thương; gần 4,6 nghìn ngôi nhà bị sập đổ; 361,7 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 258,3 nghìn ha lúa, 113,2 nghìn ha hoa màu và 49,8 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 52,1 nghìn con gia súc, 1.679,5 nghìn gia cầm và hơn 1 nghìn tấn thủy sản các loại bị chết. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm ước tính gần 18,3 nghìn tỷ đồng.

Kịch bản BĐKH năm 2016 cũng cho thấy, nhiệt độ trung bình năm trên phạm vi toàn quốc tăng khoảng 0,62°C trong thời kỳ 1958 - 2014 và tăng dần theo thời gian. Mực nước biển dâng trung bình cả nước giai đoạn 1993 - 2014 là 3,34 mm/năm, trong đó ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ tăng mạnh nhất với tốc độ tăng trên 5,6 mm/năm, khu vực ven biển vịnh Bắc Bộ có mức tăng thấp hơn, khoảng 2,5 mm/năm. Mực nước biển dâng trung bình ở Việt Nam có khả năng cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Theo kịch bản trung bình, đến năm 2050 mực nước biển dâng là 22 cm; năm 2100 là 53 cm. Theo kịch bản cao, các số liệu của các thời điểm tương ứng lần lượt là 25 cm và 73 cm. Dự báo, nếu mực nước biển dâng 1 m và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung, 17,8% diện tích thành phố Hồ Chí Minh, 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập chìm trong nước. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL không chỉ là vựa lúa của Việt Nam mà của cả thế giới, nếu mực nước biển dâng cao ở bất cứ mức độ nào đều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân ngay lập tức.

Nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp, tác động trực tiếp tới an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh nguồn nước, gia tăng tình trạng đói nghèo, mất việc làm và di cư. BĐKH đã, đang và sẽ dẫn tới tình trạng mất chỗ ở và di cư ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Khi tài nguyên đất bị thu hẹp do nước biển dâng, các thảm họa tự nhiên như lốc xoáy, lũ lụt, hạn hán tiếp tục diễn ra với cường độ cao, số lượng người mất chỗ ở tăng lên, các dạng sinh kế phụ thuộc vào hệ sinh thái mất đi... sẽ dẫn tới tình trạng di cư vĩnh viễn hoặc tạm thời. Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tác động mạnh mẽ nhất tới các nhóm nghèo nhất, nhóm người yếu thế.

Nguồn: Báo TN&MT

 
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: