Khí hậu Trái đất đang thay đổi từng ngày.
Nhiều hệ quả từ biến đổi khí hậu
Nghiên cứu dự tính khí hậu giữa thế kỷ (2046 – 2065) và cuối thế kỷ 21 (2080 - 2099) đề cập đến một khía cạnh của biến đổi khí hậu: Hạn hán.
Giáo sư Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng và Thủy văn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nói đến biến đổi khí hậu là nói đến sự thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác của hệ thống khí hậu, làm ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố liên quan.
Trong số đó, nhìn chung, người ta thường hay quan tâm đến nhiệt độ và lượng mưa bởi khi thay đổi, nó sẽ kéo theo những thay đổi khác, chẳng hạn như mưa tăng hay giảm có thể tác động đến đời sống tự nhiên và xã hội”.
Biến đổi khí hậu dẫn đến hệ quả là sự phân bố lại năng lượng trên toàn bộ hệ thống Trái đất, dẫn đến làm thay đổi chế độ hoàn lưu của khí quyển và đại dương và do đó, làm thay đổi cơ chế tạo ra mưa – một hiện tượng mà tự nó đã vô cùng phức tạp nay lại được biến đổi khí hậu chi phối khiến cho “thiên biến vạn hóa” theo nhiều cách như tăng giảm lượng mưa hay thay đổi địa điểm, thời điểm phân bố… trên những vùng địa lý khác nhau và không tuân theo nhịp điệu mùa.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng, khi mưa trở thành hiện tượng cực đoan, chỉ cần tăng về lượng là có thể gây ra lũ lụt còn nếu giảm về lượng thì dẫn đến thiếu nước. “Đến thời điểm nào đó, tự dưng mưa giảm so với điều kiện trung bình, sẽ tạo ra hiện tượng thiếu nước, tất yếu dẫn đến hạn hán (drought), tức là sự thiếu hụt nước trong một khoảng thời gian nhất định, còn khô hạn (aridity) là tình trạng ít mưa kéo kéo dài triền miên”, GS Phan Văn Tân giải thích.
Nếu nhìn bề ngoài, hạn hán chỉ là chuyện thiếu hụt nước mưa nhưng trên thực tế, nó là những thang bậc khác nhau và mức độ tác động khác nhau. Ở nấc thứ nhất là hạn khí tượng – đơn thuần liên quan đến việc hụt lượng mưa so với trung bình nhiều năm, nhưng nó dẫn đến sự mất cân bằng giữa lượng nước tích lũy trong đất và nhu cầu nước của cây trồng, dẫn đến nấc thứ hai là hạn nông nghiệp.
Theo hiệu ứng domino này, nếu sự thiếu hụt nước kéo dài hơn dẫn đến mực nước sông suối hạ thấp sẽ dẫn đến hạn thủy văn, và khi sự thiếu hụt mưa dẫn đến tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt thì đó là hạn kinh tế - xã hội. “Chúng tôi quan tâm đến hạn khí tượng vì nó là nguồn gốc của ba loại hạn còn lại, đặc biệt hạn kinh tế - xã hội”, Giáo sư Phan Văn Tân nói.
Ông và các thành viên thực hiện nghiên cứu để giải đáp câu hỏi “trong tương lai, nếu nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm thì liệu có hạn hán xảy ra ở Việt Nam không và nếu xảy ra thì như thế nào, ở mức độ nào so với quá khứ”?
“Thực ra mưa ít hay mưa nhiều không quan trọng, quan trọng là lượng mưa ở mức độ như thế nào so với điều kiện trung bình. Nếu hụt so với điều kiện này thì ắt xảy ra hạn. Đấy là nội dung chúng tôi làm trong vòng ba năm qua”, ông nói.
Hành động khi chưa quá muộn
Việt Nam, vốn đã khắc nghiệt hơn vào mùa hè ở vài năm gần đây, sẽ ngày một nóng lên với mức nhiệt độ tăng 1,5 đến 2 độ C trong một số kịch bản giữa thế kỷ và tăng 3 đến 4 độ C vào cuối thế kỷ. Lượng mưa được dự báo sẽ giảm khoảng 10 – 20% vào giữa thế kỷ và giảm đến 30% vào cuối thế kỷ.
Việc kết hợp giữa nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm tất yếu dẫn đến sự thiếu nước ở các lớp đất mặt. Đây là lý do khiến gia tăng mức độ và cường độ hạn hán, đặc biệt vào những tháng cuối mùa khô và những tháng đầu mùa mưa.
Nguy cơ hạn hán được dự báo có thể xuất hiện ở khắp các vùng ở Việt Nam, đáng chú ý là Tây Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ trong mùa đông từ tháng 11 đến tháng Hai vào giữa thế kỷ, theo kịch bản phát thải trung bình.
Rất nhiều hệ quả có thể sẽ tới, nếu theo các kịch bản dự tính này: Hồ chứa thủy điện có nguy cơ không tích được đủ nước để phát điện và cung cấp nước cho nông nghiệp; mực nước trên các sông chính sẽ ngày càng thấp xuống, trạm thủy điện càng khó hút được nước; nhà máy nước sẽ khó tìm nguồn nước mặt để cung cấp đủ nước sinh hoạt, sản xuất; các hồ chứa, suối nhỏ sẽ trơ đáy, ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái…
GS.TS Phan Văn Tân cho rằng, giải bài toán biến đổi khí hậu cần được thực hiện một cách tuần tự. Bài toán gồm hai nhiệm vụ chính là đưa ra được những bằng chứng, nguyên nhân của biến đổi khí hậu trong quá khứ và xây dựng được kịch bản biến đổi khí hậu cho tương lai.
Về vấn đề ứng dụng các kịch bản, những kịch bản có khả năng xảy ra lớn nhất (độ tin cậy cao) sẽ được ứng dụng trong xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển dài hạn; những kịch bản ít có khả năng xảy ra (độ tin cậy thấp) sẽ được sử dụng trong quản lý rủi ro.
Cần có nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu qua các kịch bản đối với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch ngay cả các dự án phát triển cho từng ngành, từng địa phương.
Các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch cần được bắt buộc lồng ghép các kịch bản biến đổi khí hậu để có phương án phát triển bền vững, giảm bớt rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra.
Cần xác định các ngành, lĩnh vực và khu vực chịu tác động với từng mức kịch bản biến đổi khí hậu để có phương án phù hợp hiệu quả. Ví dụ, các vùng chịu tác động nước biển dâng như Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng cửa sông ven biển… Từ đó có quy hoạch dân cư, hạ tầng cơ sở, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, hệ sinh thái…
Nguồn: giaoducthoidai.vn