Lượng khí CO2 toàn cầu đang ở mức kỷ lục. (Nguồn: National Post)
Theo số liệu của GCP, có trụ sở tại Canberra, Australia, với mức tăng 2,7%, lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm 2018 sẽ lên tới 37,1 tỷ tấn trong năm 2018, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp lượng khí gây ô nhiễm này không giảm. Báo cáo chỉ rõ số ôtô và nhu cầu sử dụng than đá toàn cầu tăng là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Trong khi đó, nghiên cứu đăng tải trên tờ "Open Access Earth System Science Data" ghi nhận đã có những tiến triển trong nỗ lực khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời và phong điện, cùng với thành công trong sử dụng hiệu quả năng lượng, đặc biệt trong hoạt động vận tải. Tuy nhiên, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học East Anglia, bà Corinne Le Quere, nhấn mạnh việc gia tăng khí CO2 phát thải đã khiến mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trở nên xa vời hơn. Bà chỉ rõ các nước trên thế giới cần nỗ lực hơn nữa thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, đồng tác giả công trình nghiên cứu, ông Glen Peters, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu khí hậu và môi trường quốc tế tại Oslo, Na Uy, cảnh báo lượng khí gây ô nhiễm thải ra môi trường đang và sẽ tiếp tục tăng, đe dọa nhấn chìm mục tiêu làm sạch bầu không khí, ảnh hưởng tới nỗ lực ngăn chặn Trái Đất ấm lên. Ông cho rằng đã có nhiều tiến bộ trong việc sử dụng năng lượng sạch và phương tiện chạy bằng điện, song chưa đủ để tác động đến xu hướng sử dụng nhiên liệu hóa thạch rộng rãi hiện nay.
Theo báo cáo trước đó của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), nếu các nước thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm 50% lượng khí CO2 vào năm 2030, và xuống mức 0% đến năm 2050 cùng cam kết không có thêm khí phát thải mới thì mới có thể kiềm chế được mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng an toàn 1,5 độ C.
Các nhà khoa học cho rằng sự gia tăng bất thường lượng khí phát thải toàn cầu trong vòng 5-6 năm trở lại đây đã cho thấy có sự thay đổi trong sử dụng than đá. Bà Le Quere chỉ rõ xu hướng này liên quan đến nhu cầu tiêu thụ than đá tăng nhanh tại Trung Quốc. Trong khi lượng khí CO2 phát thải từ việc đốt than đá chiếm tới 40% lượng khí CO2 toàn cầu, thì Trung Quốc chiếm tới 27% và dự báo con số này sẽ tăng thêm 4,7% trong năm 2018.
Cũng với xu hướng này, Mỹ sẽ ghi nhận khí CO2 phát thải tăng 2,5%, chiếm 15% lượng khí toàn cầu trong năm 2018. Ấn Độ, quốc gia chiếm tới 7% khí CO2 toàn cầu, cũng chứng kiến xu hướng tương tự với mức tăng 6%. Trong khi đó, các nước Liên minh châu Âu sẽ ghi nhận mức khí gây ô nhiễm này giảm nhẹ và chỉ chiếm 0,1% lượng khí CO2 toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng gia tăng khí CO2 phát thải có thể khiến con người phải hứng chịu nắng nóng nghiêm trọng vào mùa Hè và lạnh giá vào mùa Đông.
Các nhà khoa học bày tỏ lo ngại trước thực trạng này. Giáo sư về năng lượng và biến đổi khí hậu Kevin Anderson, Đại học Manchester (Anh), cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra khi nhiều nước không hoàn thành cam kết. Ông Mohamed Adow, chuyên gia của tổ chức phi chính phủ Christian Aid tại Anh, nhấn mạnh người dân nghèo tại các nước đang phát triển là những đối tượng phải hứng chịu nhiều nhất các hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ (COP 24) tai Katowice, Ba Lan./.