Hiện trường vụ sạt lở vào giữa tháng 6/2018 tại thị trấn Mỏ Cày làm sạt lở 80m và gây hư hỏng nhiều căn nhà của người dân
Liên tục xảy ra sạt lở
Mới đây, vào rạng sáng 13/8, một vụ sạt lở diễn ra bất ngờ tại khu vực ven sông Bình Châu, thuộc xã Bình Thắng (huyện Bình Đại) làm cuốn trôi hai căn nhà xuống sông, nhiều căn khác bị đe dọa nguy hiểm, phải di dời khẩn cấp. Vụ sạt lở còn cuốn trôi diện tích đất có chiều dài 20 m, sâu vào bên trong trên 12 m. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương, công an xã, lực lượng quân sự cùng Bộ đội Biên phòng đã đến hiện trường hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa và di dời đến nơi an toàn.
Trước đó chỉ một đêm, gần 01 giờ sáng ngày 12/8, phía bờ Nam sông Hòa Lộc, thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tại công trình thi công cầu Hòa Lộc 2 (thuộc dự án cầu Rạch Miễu) các vật tư thiết bị dịch chuyển, sau đó rơi xuống sông, chiều dài sạt lở khu vực này khoảng 50m, ăn sâu vào bên trong đất liền khoảng 20m. Tiếp sau đó khoảng 10 phút, phía bên bờ Bắc sông Hòa Lộc, cũng ngay tại công trình cầu Hòa Lộc 2 cũng bị sạt lở chiều dài dọc sông khoảng 120m, sâu vào đất liền khoảng 35m. Sạt lở khu vực này đã cuốn trôi toàn bộ một căn nhà, chuồng gia súc và 1 xe cẩu thi công công trình xuống sông, gây ảnh hưởng đến hai cột điện trung thế.
Hiện trường khu vực sạt lở vẫn còn nhiều vết nứt lớn, ăn sâu vào bên trong, có nguy cơ tiếp tục sụp lún. Khu vực này còn 4 căn nhà đã nghiêng, sụp lún và nứt tường lớn. Cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, kiểm tra để đánh giá nguyên nhân, ảnh hưởng của việc sạt lở bờ sông nhằm đảm bảo an toàn cho người dân cũng như công trình đi qua khu vực.
Bờ biển bị xâm thực, mất cả dãy rừng phòng hộ ven biển
Những con số đáng báo động
Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, sạt lở bờ sông 92 điểm, tổng chiều dài khoảng 118 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Riêng sạt lở bờ biển có 8 điểm, tổng chiều dài khoảng 19 km. Sạt lở lấn sâu vào trong đất liền trung bình hàng năm từ 10-15 m, làm mất trên 120 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ ven biển.
Trong tổng số các điểm sạt lở nêu trên, có 05 điểm sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến công trình hạ tầng quan trọng, khu dân cư sinh sống tập trung cần xử lý cấp bách. Trong đó, bờ biển khu vực Cồn Ngoài, thuộc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri có chiều dài sạt lở 4 km gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới Cồn Nhàn - Cồn Ngoài; khu vực bãi bắn của Quân sự huyện Ba Tri và mất hàng cây phi lao ven biển.
Bờ biển khu vực xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, chiều dài sạt lở khoảng 10 km, gây ảnh hưởng trực tiếp đến Khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển thuộc Cồn Bửng; mất dần dãy rừng phòng hộ ven biển thuộc 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Ngoài ra, có 5 điểm sạt lở tại khu vực xã Thừa Đức, huyên Bình Đại chiều dài sạt lở 5,3 km có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của tuyến đê biển làm giảm khả năng phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới.
Sạt lở bờ sông có 20 điểm với khoảng 400 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng. Trong đó, khu vực cồn Phú Đa – Phú Bình (Chợ Lách) chiều dài sạt lở trên 500 m. Hiện khu vực này có diện tích 800 ha, 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu sinh sống. Tháng 11/2017 sạt lở sụp mất hoàn toàn 4 căn nhà ở và phải di dời khẩn cấp 8 căn nhà ở bị đe dọa trực tiếp. Gần đây nhất là sạt lở bờ sông Mỏ Cày, thuộc thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam. Nơi đây tập trung dân cư sinh sống rất đông, tháng 6/2018 sạt lở 80 m gây hư hỏng 4 nhà dân. Hiện tại có khoảng 800 m với trên 70 hộ dân đang có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở.
Sạt lở làm hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân
Những giải pháp xử lý cấp bách
Cũng theo Sở NN&PTNT Bến Tre, trước tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông diễn biến ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Bến Tre đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để xử lý sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế thiệt hại do sạt lở. Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở, các ngành, các cấp địa phương khẩn trương thực hiện phương châm 4 tại chỗ để kịp thời ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản; đồng thời tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý sạt lở khẩn cấp.
Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ cho 648 hộ dân bị ảnh hưởng so sạt lở, xây dựng và bố trí các hộ dân vào 2 khu tái định cư tập trung tại xã Tân Thiềng và Hòa Nghĩa (huyện Chợ Lách) từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ. Bên cạnh đó, đã và đang đầu tư xây dựng một số công trình bảo vệ bờ sông với chiều dài 23 km, cùng đoạn kè biển bảo vệ mố cầu số 1 thuộc dự án Cơ sở hạ tầng vùng kinh tế mới Cồn Nhàn - Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri.
Đối với các dự án đã được Chính phủ quyết định hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 gồm: Kè chống sạt lở cồn Phú Đa – Phú Bình (huyện Chợ Lách), kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngoài (huyện Ba Tri), kè giảm sóng bảo vệ bờ biển Cồn Bửng (huyện Thạnh Phú) với tổng nguồn vốn 140 tỷ đồng, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện dự án theo quy định, hiện tại đang trong giai đoạn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Bên cạnh đó, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã vận động Công ty Cổ phần nhựa Tân Đại Hưng, Tập đoàn ACE Geosynthetics (Đài Loan) triển khai thí điểm công trình bảo vệ bờ biển tại huyện Thạnh Phú. Phương án thiết kế bảo vệ bờ biển của 02 đơn vị tài trợ nêu trên đã được các nhà khoa học, các ngành, địa phương đóng góp ý kiến trong buổi hội thảo tổ chức tại Bến Tre vào ngày 3/8 vừa qua.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Bến Tre, những giải pháp xử lý, khắc phục sạt lở của tỉnh trong thời gian qua hầu hết chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính tạm thời. Về lâu dài, trước tình hình sạt lở bờ biền, bờ sông trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Bến Tre rất cần được Trung ương hỗ trợ cả về kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các biện pháp phù hợp, căn cơ nhằm khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển.
Nguồn: Báo TN&MT