Ở thời điểm Thỏa thuận có hiệu lực vào năm 2020 đang đến rất gần, việc thông qua văn kiện này được đánh giá là vấn đề sống còn của COP 24, trở thành căn cứ thống nhất cho các quốc gia triển khai các quy định trong Thỏa thuận Paris năm 2015.
Phiên bế mạc COP 24 tại Ba Lan
Theo Chủ tịch COP24 Michal Kurtyka, đoàn đàm phán của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải vượt qua nhiều rào cản để đạt được đồng thuận này. Dù nhiều vấn đề phải thỏa hiệp và còn những bất đồng dời lại tới hội nghị COP 25, nhưng COP 24 đã có được một văn kiện dài 156 trang quy định chi tiết về cách thức thực hiện Thỏa thuận Paris kể từ năm 2020 trở đi.
Trong hướng dẫn vận hành khung minh bạch, Bộ quy tắc nêu ra cách các quốc gia sẽ cung cấp thông tin về những đóng góp quốc gia (NDC), bao gồm các biện pháp giảm thiểu, thích ứng và chi tiết hỗ trợ tài chính cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó là hướng dẫn quá trình thiết lập các mục tiêu mới về tài chính từ năm 2025 trở đi, nhằm đạt được mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó BĐKH; cách thức đánh giá nỗ lực toàn cầu vào năm 2023 và những tiến bộ trong phát triển, chuyển giao công nghệ nhằm hiện thực hóa mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Kết thúc Hội nghị, các nước phát triển đồng ý hỗ trợ cho các nước đang phát triển để thực hiện giảm thiểu ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như chuyển đổi sang mô hình sử dụng năng lượng sạch.
Bà Patricia Espinosa, Giám đốc phụ trách khí hậu của Liên Hợp Quốc mô tả đây là một kết quả tuyệt vời, là thắng lợi của đàm phán đa phương để tạo một lộ trình cho cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Lộ trình được xây dựng trên nền tảng phân chia trách nhiệm giữa các quốc gia. Cứ 5 năm một lần, các quốc gia sẽ đánh giá nỗ lực của mình và có thể điều chỉnh nâng cao hơn các mục tiêu giảm phát thải dựa trên năng lực kinh tế - xã hội.
Kết quả của COP 24 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nỗ lực giảm phát thải toàn cầu
Việc thông qua bộ quy tắc thống nhất đồng nghĩa với các quốc gia hiện có thể thiết lập hệ thống cơ chế, chính sách, hành động mang tầm quốc gia để thực hiện Thỏa thuận Paris vào năm 2020. Sẽ có một hệ thống chung được thiết lập ở cấp quốc tế, nhằm đảm bảo các quốc gia có thể hành động cùng nhau và đánh giá tiến trình giải quyết thách thức khí hậu toàn cầu.
Một tín hiệu tích cực khác là sự ủng hộ của các ngân hàng phát triển đa phương (MDB), các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức xã hội dân sự tại COP24 đã củng cố kết quả đạt được tại Katowice. Nhiều nước phát triển cam kết hỗ trợ tài chính cho nỗ lực ứng phó BĐKH ở các nước đang phát triển, đặc biệt là thông qua bổ sung Quỹ Khí hậu Xanh (GCF). Quỹ thích ứng trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris đã nhận được 129 triệu USD. Ngoài ra, liên minh C40 Thành phố sẽ hợp tác với IPCC để lồng ghép báo cáo 1,5 độ C vào kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của thành phố thành viên…
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, việc thực thi bộ quy tắc Katowice được đánh giá sẽ mang lại lợi ích cho nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia ven biển dễ bị tổn thương. Kết quả thực hiện phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí, cam kết chính trị của tất cả các quốc gia trong thời gian tới.
Dự kiến, Chi Lê sẽ là nước đăng cai tổ chức Hội nghị COP25 vào cuối năm 2019.
Nguồn: Báo TN&MT