Truyền thông ứng phó biến đổi khí hậu
Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH do có bờ biển dài.
Theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, vào cuối thế kỷ XXI, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Trong đó, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi tác động của BĐKH chính là những người nông dân nghèo ít đất, hoặc không đất sản xuất; đồng bào dân tộc thiểu số; phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật. Do đó, nếu không ứng phó hiệu quả với BĐKH, thành quả phát triển kinh tế - xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được.
Có thể nói, truyền thông luôn là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người và của cả xã hội theo hướng thân thiện với môi trường. Ưu thế của thông tin báo chí là tính cập nhật, được chuyển tải một cách thường xuyên, liên tục, có khả năng tiếp cận với đông đảo các đối tượng bạn đọc.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng như Cục Bảo trợ Xã hội, Tổng Cục Phòng chống Thiên tai, Viện Khoa học Thủy văn và biến đổi khí hậu cùng các đối tác liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát triển nghề CTXH thích ứng với biến đổi khí hậu một cách thường xuyên, có định hướng đúng, giúp cộng đồng biết và kịp thời chủ động thích ứng, phòng tránh và hạn chế thấp nhất tác hại do biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp liên kết truyền thông về CTXH với thông tin, tuyên truyền về các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, văn hóa... Đặc biệt chú trọng công tác đào tạo đội ngũ phóng viên chuyên về xã hội có kiến thức và kỹ năng cơ bản về CTXH. Đồng thời, cần tăng cường sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông, đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông để có sự thống nhất, tạo sự đồng thuận và đạt hiệu quả cao.
Đề cao vai trò của báo chí
Từ vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí trong truyền thông về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, các cơ quan báo chí cần nhận thức việc thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác về BĐKH và ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và trách nhiệm của những người làm báo. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, phải thể hiện được vai trò, tác động, hiệu quả của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BĐKH và ứng phó với BĐKH, phục vụ thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí để tuyên truyền định kỳ, thường xuyên và có định hướng đúng về những vấn đề liên quan đến BĐKH, giúp cộng đồng biết, kịp thời chủ động thích ứng, phòng tránh, hạn chế thấp nhất tác hại do BĐKH gây ra. Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể phối hợp với một số cơ quan báo chí thành lập mạng lưới truyền thông về BĐKH. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để kết nối đội ngũ những người làm truyền thông chuyên viết về BĐKH.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin về BĐKH cho các cơ quan báo chí. Cần ưu tiên cho các cơ quan báo chí tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến ứng phó với BĐKH; Thiết kế và đưa nội dung giảng dạy về BĐKH - môi trường như một nội dung chuyên sâu trong các trường truyền thông - báo chí, nhằm đào tạo đội ngũ những người làm truyền thông - báo chí chuyên sâu về BĐKH - môi trường; Nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp cho phóng viên, biên tập viên về BĐKH và ứng phó, thích nghi với BĐKH (đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước, đi thực tế nơi ảnh hưởng nặng nề của BĐKH... để xây dựng chiến lược truyền thông chuyên nghiệp, bài bản.
Hình thành một diễn đàn truyền thông - báo chí về BĐKH, xem đây là “cầu nối” để các cơ quan quản lý nhà nước chủ động phối hợp và chia sẻ những thông tin mới nhất, chính thống nhất về tình hình, các hoạt động ứng phó với BĐKH trong nước, khu vực và thế giới, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin nhanh cả bề rộng và chiều sâu để có những thông tin chính xác, khách quan, trung thực và trách nhiệm.
Các cơ quan báo chí cần có sách lược, chiến lược xây dựng tin, bài, ảnh, chương trình phát thanh, truyền hình và các tác phẩm báo chí khác về BĐKH và ứng phó với BĐKH một cách bài bản, ổn định, hệ thống, lâu dài và chuyên nghiệp. Tăng cường các tác phẩm báo chí có tính ứng dụng cao, thiết thực, cụ thể, hữu ích, trực tiếp cho cộng đồng để người dân thực thi, vận dụng được trong môi trường BĐKH, bảo đảm sinh kế bền vững cho họ ngay tại nơi tác động xấu của BĐKH, “sống chung” với BĐKH, như vậy mới thực sự bền vững, phát triển lâu dài; Tạo điều kiện, cơ chế chính sách tốt để tôn vinh, khen thưởng kịp thời các nhà báo có tác phẩm báo chí tốt về lĩnh vực này.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn