An Giang ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 04-01-2022 | Lượt xem: 9367
Thời gian qua, An Giang luôn quan tâm đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng, chống thiên tai (PCTT), bố trí nguồn lực thực hiện ở mức cao nhất.

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Mekong đổ vào Việt Nam. BĐKH đang diễn ra, ảnh hưởng đến các mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Tình trạng hạn hán, giông lốc ngày càng phức tạp, lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng... thường xuyên xuất hiện những năm gần đây, tác động đến chất lượng sản xuất nông nghiệp, gây nhiều thiệt hại đến tài sản và tính mạng của người dân. Sạt lở xảy ra thường xuyên, diễn biến phức tạp, tập trung ở khu dân cư, đô thị, tuyến giao thông huyết mạch, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Từ năm 2016-2020, thiệt hại về tài sản và sản xuất của người dân do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh 1.204 tỷ đồng; làm 6 người chết và 8 người bị thương (do lũ và sét đánh); 273 vụ mưa, giông lốc làm sập và tốc mái 3.885 căn nhà, khiến 118.271ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị đổ ngã; xảy ra 251 điểm sạt lở với chiều dài 20.890m, 723 hộ phải di dời khẩn cấp, 1.643 căn nhà bị sập và ngập do lũ (năm 2018); 3.146ha lúa, hoa màu bị ngập.

Sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho công tác ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính giúp cho tỉnh từng bước triển khai công tác này đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường ngày càng được chú trọng, thực hiện thường xuyên. Nhiều mô hình sinh kế bền vững có hàm lượng khoa học công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường được áp dụng. Mặc dù ngân sách còn hạn hẹp, nhưng tỉnh vẫn dành ngân sách rất lớn để đầu tư cho công trình ứng phó với BĐKH và PCTT, nhằm cải thiện môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH chưa cụ thể, chưa có văn bản bắt buộc để cơ sở, doanh nghiệp (DN) chủ động thực hiện. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ tài chính cho DN, đặc biệt là mua sắm, thay thế, trang bị máy móc, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng. Hoạt động ứng phó với BĐKH chủ yếu tập trung vào ứng phó với tác động trực tiếp (như: Sạt lở, hạn hán, ngập lụt…), chứ chưa có cơ chế, chính sách cụ thể trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế theo chiều hướng tăng trưởng xanh, dẫn đến các hoạt động trên chưa được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

 Một số DN chưa nhận thức được lợi ích lâu dài của việc phòng ngừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó với BĐKH. Nhu cầu vốn đầu tư cho công trình thích ứng với BĐKH rất lớn, thực hiện trong thời gian dài, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Trung ương và tổ chức quốc tế. Từ đó, nhiều dự án triển khai còn chậm, chưa đạt tiến độ như kế hoạch và mục tiêu ban đầu. Nguồn kinh phí thường xuyên phục vụ hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về BĐKH còn hạn chế…

Tỉnh kiến nghị Quốc hội hoàn thiện, đồng bộ cơ chế, chính sách và văn bản pháp luật về ứng phó với BĐKH, đặc biệt là cơ chế, chính sách liên quan giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy thị trường các-bon, chuyển đổi năng lượng sạch, chuyển đổi kinh tế theo chiều hướng tăng trưởng xanh. Kiến nghị đến Chính phủ, tỉnh đề nghị ban hành cơ chế về giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện trung hòa các-bon vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ. Có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về ứng phó với BĐKH; cho phép tỉnh bố trí biên chế và thành lập Văn phòng BĐKH.

Nhà nước cần ban hành quy định, chính sách nhằm hỗ trợ lẫn bắt buộc DN ứng phó với BĐKH, như: Hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ giúp DN sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ tiếp cận với công nghệ mới và nguồn vốn vay ưu đãi để ứng phó với BĐKH.

Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong việc tiếp cận dự án và thiết lập mối quan hệ quốc tế, tìm kiếm nguồn tài trợ từ các quốc gia, tổ chức trên thế giới; hỗ trợ địa phương đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị và phát triển nguồn lực (nhân lực, công nghệ và tài chính) trong ứng phó với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính. Trước mắt là bồi dưỡng, tập huấn cán bộ phụ trách tại sở, ngành cấp tỉnh để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ. Kiến nghị Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng chế tài, điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm toán năng lượng. Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương ban hành thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2030.

Nguồn: baoangiang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: