Pakistan trong 'thảm họa thứ hai'

Đăng ngày: 25-10-2022 | Lượt xem: 4258
Sau hơn 3 tháng mưa lũ nặng nề, 1/3 diện tích đất nước Pakistan bị nhấn chìm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngay cả trước khi lũ lụt xảy ra, khoảng 38 triệu người Pakistan, chiếm hơn 16% dân số đã sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng. Gần 18% trẻ em nước này bị suy dinh dưỡng cấp tính. Trong khi các loại dịch bệnh tại nước này đang gia tăng sau lũ lụt.

Một gia đình ở tỉnh Baluchistan (Pakistan) phải sơ tán do lũ lụt kéo dài. Ảnh: AP.

Một gia đình ở tỉnh Baluchistan (Pakistan) phải sơ tán do lũ lụt kéo dài. Ảnh: AP.

Tỉnh Sindh, miền nam Pakistan, được ghi nhận là tâm điểm của đợt bùng phát sốt xuất huyết, với 17.000 ca tính từ ngày 1/7 tới nay. Khu vực bị ảnh hưởng ghê gớm là Karachi: Trong 3 tuần đầu của tháng 10 đã ghi nhận hơn 5.200 người mắc sốt xuất huyết. Còn tính từ đầu năm là hơn 15.000 ca.

Trong khi đó, theo số liệu mới cập nhật, số người thiệt mạng do lũ lụt và mưa bão kể từ giữa tháng 6 tại Pakistan đã tăng lên hơn 1.700 người; gần 13.000 người bị thương. Mưa lũ cũng đã khiến hơn 2,2 triệu ngôi nhà bị phá hủy; 7 triệu người phải đi sơ tán trong số hơn 33 triệu người bị ảnh hưởng; 1,1 triệu gia súc bị chết.

Đợt mưa lũ kỷ lục kéo dài ước tính gây thiệt hại cho Pakistan 30 tỷ USD.

WHO đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra "thảm họa thứ hai" tại Pakistan sau lũ lụt. Riêng tại tỉnh Sindh, chính quyền đã phải điều động hơn 5.000 chuyên gia, nhân viên y tế để hỗ trợ chống dịch.

Không chỉ sốt xuất huyết, các dịch bệnh như sốt rét, tiêu chảy... đang tăng cao ở Pakistan. Truyền thông địa phương thông tin khu cấp cứu tại bệnh viện chính của thị trấn Sehwan (tỉnh Sindh) ngày nào cũng có cả nghìn người chen chúc trong các phòng bệnh và hành lang để tìm cách chữa trị cho người nhà đang mắc các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, tiêu chảy và các bệnh khác. Mỗi sáng bệnh viện thị trấn Sehwan tiếp nhận khoảng 300 - 400 người đến khám và bệnh nhân cần điều trị, trong đó có nhiều trẻ em và phần lớn bị sốt rét và tiêu chảy.

“Cơ sở vật chất, thiết bị y tế cũng như nhân viên hạn chế, nhiều y bác sĩ đã rơi vào tình trạng làm việc quá sức” - bác sĩ Naveed Ahmed - Khoa cấp cứu Viện Khoa học sức khỏe Abdullah Shah nói và cho biết thêm: "Tôi cảm thấy mình có thể ngã quỵ và phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch".

Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan đã phải đưa ra lời kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Dẫn ý kiến của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO rằng “Pakistan đang đứng bên bờ vực thẳm của một thảm họa y tế cộng đồng”, đại diện Bộ Biến đổi khí hậu nhấn mạnh, Pakistan đang cần khẩn cấp thuốc men cho 8,2 triệu người và cần nhiều lương thực vì mùa vụ đã bị lũ cuốn trôi.

Để giảm thiểu tác hại của những đợt mưa lũ dữ dội, chính quyền đã buộc phải dựng hàng rào để ngăn nước lũ tràn vào các công trình quan trọng, như trạm điện hoặc các công trình xây dựng lớn; trong khi những người nông dân lại tìm cách cứu gia súc khi đối mặt với nguy cơ mới do cỏ khô bắt đầu cạn kiệt.

Chính phủ Pakistan và Liên hợp quốc cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây lũ lụt sau khi nhiệt độ mùa hè tăng cao kỷ lục. Trong đợt mưa lũ vừa qua, Pakistan ghi nhận lượng mưa lên đến 391mm, cao hơn gần 190% mức trung bình của 30 năm qua. Thậm chí ở tỉnh Sindh mức chênh lệch này lên tới 466%.

Điều đáng nói là trước khi bị mưa lũ tấn công, thì ngay từ cuối tháng 4 kéo dài hết tháng 5, Pakistan đã phải chịu đựng những đợt nắng nóng kéo dài. Mặt trời chói chang ngay từ sáng sớm và cứ đổ lửa xuống cho tới hơn 6 giờ chiều. Các dòng sông cạn nước. Truyền thông quốc tế đã ví người Pakistan “phải sống trong hỏa ngục” khi nhiệt độ nhiều ngày liên tục lên tới 50 độ C vào lúc đỉnh điểm.

“Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên Pakistan trải qua tình trạng mà nhiều người gọi là “năm không có mùa xuân” - Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan, ông Sherry Rehman, nói và mô tả rằng nhiều người phải “trú ẩn” trong nhà vào ban ngày và chỉ có thể làm việc vào ban đêm. Nhất là người dân thành phố Turbat phải hứng chịu nắng nóng đi cùng với việc cắt điện lên tới 18 giờ /ngày.

“Chúng tôi đang sống trong hỏa ngục” - ông Nazeer Ahmed, cư dân thành phố Turbat, nói với tờ The Guardian. Trong khi đó, nông dân ở tỉnh Balochistan gần như mất trắng các vườn táo, khi mà vào cuối tháng 4 nhiệt độ lên tới 49 độ C và kéo dài trong cả tháng 5, trở thành một trong những “kỷ lục thế giới đáng sợ nhất”.

Năm 2022 được coi là thảm họa với Pakistan khi mà nắng nóng thiêu đốt mới qua thì mưa lũ lại ập tới. Chia sẻ khó khăn, Tổng thống Pakistan Arif Alvi kêu gọi mọi người đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua thiên tai; cùng với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Cộng hòa Chad, ông Mahamat Idriss Deby, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do lũ lụt đang ảnh hưởng đến hơn một triệu người ở quốc gia Trung Phi này. "Bắt đầu từ bây giờ, tình trạng khẩn cấp sẽ được thiết lập để ngăn chặn lũ lụt và quản lý tốt hơn thảm họa thiên nhiên này" - Tổng thống Deby nói trong một bài phát biểu trên truyền hình trước quốc gia. Theo đó, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 636 địa phương thuộc 18 trong tổng số 23 tỉnh trên cả nước. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các tỉnh phía Nam Mayo Kebbi Est, Logone Occidental, Tandjile, Moyen Chari và Mandoul. Ngay tại thủ đô N'Djamena, hàng ngàn người đã phải rời bỏ nhà cửa do lũ lụt trong những ngày qua.

Trong khi đó, miền Bắc Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với tình trạng sốt xuất huyết gia tăng do mùa mưa kéo dài. Các ca nhiễm tập trung ở bang Bihar và bang Uttar Pradesh với số ca ghi nhận từ đầu năm đến nay lần lượt là 7.500 và 5.000 ca.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/pakistan-trong-tham-hoa-thu-hai-5700242.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: