Công bố bản tin về khí hậu và chất lượng không khí của WMO cho Ngày không khí sạch (Phần 2)

Đăng ngày: 07-09-2021 | Lượt xem: 628

Tác động của COVID-19 đến chất lượng không khí

Nhiều chính phủ trên thế giới đã ứng phó với đại dịch COVID-19 bằng cách hạn chế tụ tập, đóng cửa trường học và áp đặt giãn cách. Những chính sách này đã dẫn đến việc giảm phát thải chất ô nhiễm chưa từng có.

Tại các khu vực như Trung Quốc, Châu Âu và Bắc Mỹ, việc giảm phát thải liên quan đến COVID trong thời gian ngắn đồng thời với các biện pháp giảm thiểu phát thải dài hạn dẫn đến nồng độ PM2.5 vào năm 2020 thấp hơn so với các năm trước. Sự gia tăng bụi PM2.5 so với Ấn Độ ít rõ rệt hơn hẳn so với những năm trước. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ở nhiều nơi trên thế giới, nồng độ bụi PM2.5 vẫn khó có thể đáp ứng mức giảm các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Nồng độ các chất ô nhiễm ở một số quốc gia trên thế giới

Chương trình WMO/ Global Atmosphere Watch (Theo dõi không khí toàn cầu) đã kiểm tra các chất gây ô nhiễm không khí chính từ hơn 540 trạm giao thông, trong và xung quanh 63 thành phố từ 25 quốc gia nằm ở bảy khu vực địa lý trên thế giới. Dữ liệu được sử dụng để phân tích những thay đổi trong chất lượng không khí đối với các chất ô nhiễm chính, chẳng hạn như PM2.5, sulfur dioxide (SO2), nitơ oxit (NOx), carbon monoxide (CO) và ozone (O3).

Phân tích cho thấy nồng độ NO2 trung bình giảm tới khoảng 70% và nồng độ PM2.5 trung bình là 30% –40% trong thời gian giãn cahcs hoàn toàn vào năm 2020 so với cùng kỳ năm 2015–2019. Tuy nhiên, PM2.5 thể hiện hành vi phức tạp ngay cả trong cùng một khu vực, ví dụ như sự gia tăng ở một số thành phố của Tây Ban Nha, nguyên nhân chủ yếu là do vận chuyển tầm xa của bụi và / hoặc đốt sinh khối châu Phi.

Sự thay đổi nồng độ ôzôn rất khác nhau giữa các khu vực, từ không thay đổi tổng thể đến mức tăng nhỏ (như trường hợp của Châu Âu) và mức tăng lớn hơn (+ 25% ở Đông Á và + 30% ở Nam Mỹ).

Nồng độ SO2 trong năm 2020 thấp hơn từ 25% đến 60% so với giai đoạn 2015–2019 cho tất cả các vùng. Mức độ CO đều thấp hơn ở tất cả các khu vực, trong đó mức giảm lớn nhất ở Nam Mỹ, lên tới xấp xỉ 40%.

Khí hậu, cháy rừng và chất lượng không khí

Các trận cháy rừng dữ dội tạo ra nồng độ PM2.5 cao bất thường ở một số khu vực trên thế giới và tạo ra sự khô và nóng bất thường vào năm 2020. Vào tháng 1 và tháng 12 trước đó, tây nam Australia bị ảnh hưởng bởi cháy rừng trên diện rộng, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí.

Khói từ các đám cháy ở Úc cũng dẫn đến sự nguội lạnh tạm thời trên khắp bán cầu nam, tương đương với khói do tro bụi từ một vụ phun trào núi lửa gây ra.

Mùa cháy rừng năm 2020 được đánh dấu bằng những đám cháy cực lớn ở Siberia và miền Tây Hoa Kỳ, xét về tổng lượng carbon gây cháy được thải vào khí quyển, với những chùm khói cực kỳ dày đặc và lan rộng có thể nhìn thấy từ không gian. Hoạt động hỏa hoạn yếu bất thường ở Alaska và Canada so với những thập kỷ trước.

Văn phòng của NASA đã đánh giá tác động của đám cháy đối với ô nhiễm không khí ngoài trời trên khắp Bắc Mỹ và ước tính có bao nhiêu người đã tiếp xúc với các mức độ ô nhiễm khác nhau. Quan sát phát hiện ra rằng số người có khả năng hứng chịu mức độ ô nhiễm không khí xấu đã tăng lên trong mùa cháy và đạt đỉnh điểm vào tuần thứ hai của tháng 9 vừa qua, khi hầu hết các vụ cháy dữ dội xảy ra ở miền Tây Hoa Kỳ. Trong hơn một tuần, 20–50 triệu người - chủ yếu ở miền Tây Hoa Kỳ nhưng cũng ở các vùng xuôi gió - được phân loại là có nguy cơ hứng chịu không khí xấu là “cao” hoặc “rất cao”.

Các chính sách thay đổi khí hậu

Các hoạt động của con người thải các khí nhà kính tồn tại lâu vào khí quyển cũng làm tăng nồng độ ôzôn và các vật chất dạng hạt có tuổi thọ ngắn hơn trong khí quyển. Ví dụ, quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (một nguồn chính của carbon dioxide (CO2) cũng phát thải oxit nitơ (NO) vào khí quyển, có thể dẫn đến sự hình thành quang hóa của ôzôn và sol khí nitrat. Tương tự như vậy, các hoạt động nông nghiệp (là nguồn chính của khí nhà kính mêtan) thải ra amoniac, sau đó tạo thành các sol khí amoni.

Do đó, những thay đổi chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí có tác động đến những chính sách nhằm hạn chế biến đổi khí hậu và ngược lại. Ví dụ, giảm mạnh quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để giảm phát thải khí nhà kính cũng sẽ làm giảm các chất ô nhiễm không khí liên quan đến hoạt động đó, chẳng hạn như các sol khí ozon và nitrat.

Các chính sách giảm ô nhiễm vật chất dạng hạt để bảo vệ sức khỏe con người có thể loại bỏ tác dụng làm mát của sol khí sulfat hoặc tác dụng làm ấm của cacbon đen (hạt bồ hóng).

Cuối cùng, những thay đổi của khí hậu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ ô nhiễm. Ví dụ, tần suất và cường độ sóng nhiệt tăng lên có thể dẫn đến sự tích tụ thêm các chất ô nhiễm gần bề mặt. Theo báo cáo gần đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ của những sự kiện như vậy sẽ tăng lên trong tương lai.

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://public.wmo.int/en/media/press-release/wmo-air-quality-and-climate-bulletin-released-clean-air-day

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: