Báo cáo về tình hình hạn hán kêu gọi phương thức quản lý mới (Phần 2)

Đăng ngày: 17-06-2021 | Lượt xem: 1212
Hạn hán đã ảnh hưởng trực tiếp đến 1,5 tỷ người trên hành tinh trong thế kỷ này, nhiều hơn bất kỳ thảm họa nào khác. Con số này sẽ tăng lên đáng kể do biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và sự thay đổi của nhân khẩu học. Do đó, theo một báo cáo mới đây, con người cần phải có những hành động khẩn cấp để cải thiện việc quản lý và ngăn chặn hạn hán.

Sa mạc hóa và hạn hán

Báo cáo Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai và Tổ chức Khí tượng Thế giới được phát hành vào Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán. Hạn hán có tác động sâu sắc, rộng khắp nhưng ảnh hưởng của chúng thường bị đánh giá thấp đối với xã hội, hệ sinh thái và nền kinh tế. Các tác động trên diện rộng của hạn hán luôn được báo cáo không đầy đủ, mặc dù chúng trải dài trên các khu vực rộng lớn, phân tầng theo hệ thống và quy mô, kéo dài theo thời gian. Chúng ảnh hưởng đến hàng triệu người và nhiều ngành, lĩnh vực - chẳng hạn như sản xuất nông nghiệp, cấp nước công cộng, sản xuất năng lượng, giao thông đường thủy, du lịch, sức khỏe con người và đa dạng sinh học - gây ra mất an ninh lương thực, đói nghèo và bất bình đẳng.

“Hầu hết thế giới sẽ sống chung với những hiện tượng thiên tai về nước trong vài năm tới. Mami Mizutori, Đại diện của chương trình Giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc cho biết nhu cầu về nước sẽ vượt cung trong một số thời kỳ nhất định”. “Hạn hán là một yếu tố chính dẫn đến suy thoái đất và giảm năng suất các loại cây trồng chính. Biến đổi khí hậu có nghĩa là sự thay đổi mô hình mưa và sự biến đổi lớn hơn về lượng mưa gây ra rủi ro cho 70% nông nghiệp toàn cầu hiện đang sử dụng nước mưa”.

Ước tính chi phí phát sinh do tác động của hạn hán từ năm 1998 đến năm 2017 cho thấy hạn hán đã ảnh hưởng đến ít nhất 1,5 tỷ người và dẫn đến thiệt hại kinh tế ít nhất 124 tỷ USD trên toàn thế giới. Theo báo cáo, ước tính chi phí trực tiếp bao gồm thiệt hại hàng năm ở Hoa Kỳ khoảng 6,4 tỷ đô la Mỹ mỗi năm và khoảng 9 tỷ Euro ở Liên minh châu Âu. Ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng đối với tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ được ước tính là 2-5%. Do hậu quả của hạn hán thiên niên kỷ ở Úc, tổng năng suất nông nghiệp ở Úc đã giảm 18% trong giai đoạn 2002-2010.

Cơ chế quản lý toàn cầu

Báo cáo về hạn hán năm 2021 kêu gọi thiết lập một cơ chế toàn cầu mới để hỗ trợ các quốc gia giải quyết rủi ro hạn hán xuyên biên giới thông qua tăng cường quản trị rủi ro, quan hệ đối tác và đổi mới ở cấp khu vực và hành động ở cấp cộng đồng. Báo cáo cũng thúc đẩy việc thiết lập các quan hệ đối tác quốc gia về khả năng chống chịu với hạn hán nhằm huy động các đối tác công, tư, xã hội dân sự và làm việc để đảm bảo sự liên kết thông suốt giữa cấp quốc gia và địa phương.

Các khuyến nghị chính

Phòng ngừa các chi phí nhân lực, tài chính và môi trường thấp hơn nhiều so với phản ứng và ứng phó.

Tăng cường hiểu biết về các rủi ro hệ thống và cải thiện quản trị rủi ro có thể mang lại hiệu quả trong hành động đối với rủi ro hạn hán.

Quan hệ đối tác trong việc chống chịu với hạn hán ở cấp quốc gia và địa phương là vô cùng quan trọng để quản lý hạn hán trong một thế giới đang ấm lên, nơi lượng mưa ngày càng ít và đòi hỏi các giải pháp thực tế để giải quyết các vấn đề như phá rừng, sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, chăn thả quá mức, nhiễm mặn, ngập úng và xói mòn đất.

Một cơ chế quản lý hạn hán ở cấp quốc gia và quốc tế có thể giúp giải quyết tính chất phức tạp và phân tầng của hạn hán.

Các hệ thống và dịch vụ tài chính cần phát triển để khuyến khích sự hợp tác, thúc đẩy các cơ chế bảo trợ xã hội và khuyến khích chuyển giao, cung cấp hỗ trợ các gói thích ứng đa dạng để quản lý rủi ro hạn hán.

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://public.wmo.int/en/media/news/drought-report-calls-new-management-approach

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: