Thời tiết dị thường khu vực Đông bắc đầu tháng 05 năm 2019 - Bản tin KHCN&HTQT Quý II năm 2019

Đăng ngày: 26-06-2019 | Lượt xem: 5427
Tuần đầu tháng 5/2019 thời tiết khu vực Đông Bắc có những điểm khá đặc biệt. Đó là nền nhiệt độ khá thấp, thấp hơn từ 2-3 độ so với TBNN. Có nơi nhiệt độ trung bình ngày chỉ dao động từ 20-21 độ, nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 20 độ, trời rét về đêm và sáng sớm (TP Lạng Sơn, huyện Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn, huyện Trùng Khánh, huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng). Cá biệt, tại Mẫu Sơn, thời tiết như giữa mùa đông với mây mù, mưa nhỏ và nhiệt độ ban đêm xuống dưới 14 độ. Thêm vào đó, đới gió đông bắc làm cho thời tiết se lạnh. Vậy nguyên nhân nào gây ra kiểu thời tiết đặc biệt như vậy?

1. Diễn biến thời tiết

Từ ngày 01 đến 11/5/2019, thời tiết khu vực Đông Bắc nhiều ngày có mưa, mưa nhỏ. Độ ẩm trung bình thời kỳ này khá cao, phổ biến 86-92%, cao hơn TBNN từ 5-7%. Tại Hải Phòng, độ ẩm trung bình từ 90-95%, một vài ngày đã xảy ra hiện tượng nồm ẩm (ngày 04-05; 08-09).

Trường gió đông bắc duy trì ở tầng thấp nhiều ngày liền. Tại trạm Bạch Long Vỹ, một số ngày quan trắc được gió đông bắc cấp 4-5.

Nền nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2-3OC. Nhiệt độ trung bình ngày phổ biến  ở Cao Bằng, Lạng Sơn từ 21-22OC, các tỉnh còn lại từ 24-25OC. Nhiệt độ thấp nhất ngày phổ biến ở Cao Bằng, Lạng Sơn từ 19-21OC, đêm và sáng trời rét, các tỉnh còn lại từ 22-24OC, đêm và sáng trời lạnh. Biên độ nhiệt độ trong ngày không cao, có ngày chỉ từ 2-4OC (ngày 03; 08; 09). Cá biệt tại trạm Mẫu Sơn (Lạng Sơn), nhiệt độ xuống rất thấp. Nhiệt độ trung bình ngày quan trắc được chỉ từ 16-19OC, nhiệt độ thấp nhất chỉ từ 15-17OC, có ngày xuống dưới 14OC ( ngày 01 và ngày 10). Nền nhiệt độ thấp kéo dài trong suốt 10-11 ngày.

2. Phân tích hình thế gây ra đợt giảm nhiệt kéo dài nhiều ngày ở khu vực Đông Bắc

Phân tích bản đồ synop mực mặt đất cho thấy: Ngày 01/5, lưỡi áp cao lục địa (ACLĐ) được tăng cường và duy trì ở khu vực đến ngày 03/5. Ngày 04-05/5, lưỡi ACLĐ bắt đầu suy yếu và rút ra phía đông. Tuy nhiên ở khoảng 50 độ vĩ bắc, ACLĐ lại có xu hướng hoạt động mạnh lên với trị số khí áp trung tâm lên đến 1040mb và di chuyển xuống phía nam. Đến ngày 07-08/5, bộ phận ACLĐ này được tăng cường xuống khu vực và duy trì đến ngày 10 đẩy rãnh áp thấp xuống tận Trung Bộ, ngày 11 thì suy yếu rút dần ra phía đông.

Trên mực 850mb, hệ thống ACLĐ không đủ mạnh để bao trùm toàn khu vực mà chỉ đủ để đẩy rãnh áp thấp xuống Bắc Bộ gây mưa và duy trì trong suốt thời gian này. 

Ở các mực khí quyển trên cao (200mb), dòng xiết gió tây cực đới hoạt động rất mạnh và di chuyển nhanh, khi gặp cao nguyên Tibet bị uốn cong dưới dạng sóng, tạo thành hệ thống sống rãnh rất rõ rệt (như hình 2). Chính hệ thống sống cao hoạt động mạnh (ở khoảng 95-105 độ kinh đông), rãnh thấp (ở khoảng 125-135 độ kinh đông) khơi sâu xuống tận 25 độ vĩ bắc đã tạo nên trường gió tây bắc hoạt động rất mạnh bao trùm toàn bộ Bắc Bộ. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho khối không khí lạnh xâm nhập xuống Việt Nam và duy trì nhiều ngày. Đây cũng là điểm khác biệt của đợt xâm nhập lạnh này so với các đợt khác cùng kỳ tạo nên một đợt giảm nhiệt tương đối dị thường.

3. Một số nhận xét, so sánh

Kiểu thời tiết này tuy không phải là hiếm gặp trong đầu tháng 5, hầu như năm nào cũng có xảy ra, có năm còn xảy ra vào cuối tháng 5 (năm 2017) nhưng chỉ kéo dài khoảng 1-3 ngày và chỉ ở vùng núi, vùng núi cao. Nhưng thời tiết se lạnh kéo dài cả chục ngày trên cả khu vực, thậm chí cả miền Bắc như đợt này thì ít khi xảy ra.

So sánh nhiệt độ quan trắc được trong tháng 5 của một số năm gần đây cho thấy đợt giảm nhiệt này không phải là đợt có nhiệt độ thấp nhất. Nhiệt độ thấp nhất là đợt ngày 04-06/5/2014 với nhiệt độ xuống đến 16-19OC ở vùng núi, 18-20OC ở trung du ven biển. Có nơi xuống rất thấp như Mẫu Sơn 10.8OC.

Dự báo viên: Nguyễn Thị Lan Hương - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc

Vụ KHQT (Tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: