Trong thông điệp phát đi nhân ngày kỷ niệm này, ông Petteri Taalas - Tổng thư ký WMO cho rằng, hiểu được cách thức mặt trời ảnh hưởng đến hiện tượng thời tiết và khí hậu là rất quan trọng để xây dựng xã hội có khả năng thích ứng và chống chịu được với những thay đổi của khí hậu.
Các nhà khoa học đã sử dụng các phép đo bức xạ mặt trời với mục đích nghiên cứu sự thay đổi và biến đổi khí hậu để dự báo thời tiết. Tuy nhiên, việc thực hiện các phép đo này không hề dễ dàng như mọi người vẫn hình dung. Các phép đo dài hạn có thể so sánh từ nơi này đến nơi khác, từ thời gian này đến thời gian khác và từ thiết bị này đến thiết bị khác là rất cần thiết.
Các nghiên cứu về bức xạ mặt trời đã được thực hiện tại Đài quan sát Khí tượng Vật lý ở Davos (PMOD) từ năm 1907. Đến năm 1971, WMO đã trao cho PMOD nhiệm vụ bổ sung là Trung tâm Bức xạ Thế giới (WRC) với chức năng duy trì tiêu chuẩn chính để đo độ rọi năng lượng mặt trời (tham chiếu bức xạ thế giới). Điều này đảm bảo rằng các thiết bị có độ nhạy cao như trực xạ kế actinômet cho các phép đo chính xác với dữ liệu tương đương nhau. Vai trò của nó là đảm bảo rằng tất cả mọi người sử dụng cùng một thang đo chính xác để đo độ rọi năng lương mặt trời giúp cho các phép đo đó có thể so sánh với nhau (có thể so sánh với các phép đo đã được thực hiện trong quá khứ hay các phép đo sẽ được thực hiện trong tương lai).
Có thể nói rằng, nếu không có sự khởi xướng của WMO thì các nhà khoa học sẽ bị hạn chế trong việc hiểu biết về hệ thống khí hậu và ngành công nghiệp năng lượng mặt trời sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn.
(Xem thêm tại: https://worldmetday.wmo.int/)
Bài và ảnh: Trịnh Lan Phương - Vụ Quản lý mạng lưới khí tượng thủy văn
Vụ KHQT (Tổng hợp)