Các nhà khoa học đã đo được mức nhiệt độ cao nhất chưa từng thấy ở Nam Cực: 63,5 độ F (tương đương 17,5 độ C). Các phép đo được thực hiện vào thứ ba tuần trước tại trạm đo Esperanza của Argentina, trên mũi phía bắc của Bán đảo Nam Cực, số liệu được cập nhật trên trang website Weather Underground. Trước đây, nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận tại khu vực này là 62,8 ° F ( tương đương17,1 ° C), được ghi nhận tại trạm Esperanza vào ngày 24/4/1961.
Weather Underground đã ví nhiệt độ tuần trước là "cơn sóng nhiệt bất thường", mặc dù chúng xảy ra vào cuối mùa hè của phương Nam, khi nhiệt độ ở Nam Cực thường là cao nhất. Tuy vậy, mức nhiệt độ này vẫn chưa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công nhận là mức nóng kỷ lục của Nam cực.
Nhiệt độ cao kỉ lục vừa được ghi nhận tại Nam cực
Rất khó để đưa ra được một kết luận cuối cùng từ một mức nhiệt độ cao duy nhất, theo Gavin Schmidt, một nhà khoa học khí hậu thuộc Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của NASA tại thành phố New York. Bởi theo ông, năm ngoái Nam Cực cũng đã được ghi nhận mức nhiệt độ lạnh kỷ lục. Điều quan trọng hơn là các xu hướng dài hạn, Schmidt nói. Khi nhắc đến Nam Cực, ông cho rằng khí hậu ở vùng này trong những năm vừa qua là vô cùng phức tạp. Đại dương của cả thế giới đang ấm lên nhanh chóng, hấp thụ phần lớn nhiệt lượng của hành tinh. Do đó, khi các sông băng lớn xung quanh Nam Cực tiếp xúc với nước nóng lên đã tan chảy nhanh chóng. Mặt khác, một số sông băng ở gần hơn trong đất liền thì lại lớn lên thêm. "Điều đó chưa được giải thích một cách thỏa đáng," Schmidt nói.
Nhiệt độ cao khiến cho các tảng băng bị tan chảy nhanh chóng
Lỗ thủng tầng ozone tiếp tục ảnh hưởng đến khí hậu của khu vực theo những cách mà khoa học chưa thể lý giải. Và những trận gió và mô hình dòng chảy vẫn là một thách thức đối với các nhà nghiên cứu khoa học. "Một mức nhiệt độ cao kỷ lục không thể cắt nghĩa được tất cả những sự phức tạp đó", theo Schmidt.
Đứng trên góc độ của cả hành tinh này, Trái đất vẫn đang trên đà ấm lên trung bình ít nhất 2oC (khoảng 3,6oF) vào cuối thế kỷ này theo các báo cáo khoa học, mặc dù mức tăng chính xác sẽ còn phụ thuộc vào việc các quốc gia nỗ lực giảm phát thải khí, một thành phần gây ra sự nóng lên của toàn cầu.
Biên dịch tin bài: Thanh Tâm. - Tạp chí Khí tượng Thủy văn
Tổng hợp: Vụ KHQT