Những năm gần đây, nhiều thảm họa quy mô lớn do thời tiết bất thường và biến đổi khí hậu gây ra thiệt hại chưa từng có. Vì vậy, cần thiết phải có các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng khắc phục, tái thiết các hậu quả từ những thảm họa thiên tai. Để đối phó với tình trạng này, Weathernews bắt đầu hợp tác với One Concern và Sompo Japan Nipponkoa để cùng triển khai một hệ thống phòng chống và giảm nhẹ thiên tai sử dụng công nghệ AI. Trong đó, Công ty One Concern cung cấp hệ thống dự báo, phòng ngừa và giảm thiểu thảm họa bằng công nghệ AI, Weathernews cung cấp dữ liệu thời tiết quá khứ và dữ liệu dự báo thời gian thực và Sompo Japan Nipponkoa cung cấp các giải pháp về quản lí rủi ro thiên tai.
Vào tháng 3/2019, hệ thống phòng chống và giảm nhẹ thiên tai AI bắt đầu được triển khai thiết lập tại thành phố Kumamoto - Nhật Bản, đây là thành phố đã liên tục bị ảnh hưởng bởi động đất và mưa lớn, lũ lụt. Kumamoto là đô thị đầu tiên ở Nhật Bản được triển khai thử nghiệm hệ thống kiểu này. Theo tiến độ dự kiến, hệ thống sẽ bắt đầu thử nghiệm mô phỏng dự đoán thiệt hại do lũ lụt vào tháng 9 đến tháng 10/2019 (hình 2) và thiệt hại do các trận động đất vào tháng 12/2019 (hình 1).
Công nghệ học máy (Machine Learning) được sử dụng để thiết lập hệ thống dựa trên cơ sở dữ liệu lớn (big data) về môi trường tự nhiên, xây dựng, kiến trúc, cơ sở hạ tầng và các sự cố trực tiếp được giám sát, phát hiện như mực nước sông, lũ lụt và động đất. Đây là hệ thống duy nhất hiện nay trên thế giới cho phép dự đoán thiệt hại theo thời gian thực trên diện rộng, trước, trong và sau thảm họa. Với công nghệ mô phỏng thảm họa tiên tiến, chi tiết, hệ thống sẽ giúp chính quyền địa phương cải thiện khả năng phòng ngừa, giảm thiểu và thích ứng với thiên tai.
Nếu thử nghiệm thành thành công ở Nhật Bản, hệ thống phòng chống và giảm nhẹ thiên tai sử dụng công nghệ AI mới này sẽ được hoàn thiện, phát triển, nhân rộng góp phần giảm thiểu thảm họa thiên tai trên khắp Nhật Bản và toàn thế giới.
Chi tiết về hệ thống phòng chống và giảm nhẹ thiên tai AI như sau:
1) Trước khi xảy ra thảm họa
Hệ thống cho phép mô phỏng chính xác thiệt hại dựa trên các dữ liệu rủi ro thiên tai và các lỗ hổng cục bộ. Với các mô phỏng này, người sử dụng có thể thiết lập và xem xét tính hiệu quả các kế hoạch ứng phó và phòng chống thiên tai, thực hiện các cuộc diễn tập phòng chống thiên tai với sự tham gia của các đội cứu hộ tư nhân và người dân địa phương, xem xét các địa điểm và quy trình sơ tán thiên tai. Điều này sẽ tăng cường các biện pháp phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai trước khi thảm họa xảy ra.
2) Trong thảm họa
Hệ thống cung cấp các dự đoán thiệt hại gần thời gian thực ngay sau thảm họa. Dựa trên thông tin này, người sử dụng có thể xác định chính xác khu vực và quy mô của thảm họa, cho phép đưa ra các hành động phản ứng nhanh, hiệu quả, hữu hiệu như ưu tiên người già, trẻ em và các hành động giảm thiểu thiệt hại khẩn cấp khác.
3) Sau thảm họa
Hệ thống thu thập dữ liệu thiệt hại thực tế xảy ra và phản ánh nó vào các mô hình dự báo để đưa ra các dự đoán chính xác hơn về thiệt hại trong thực tế. Thông tin này hữu ích cho người sử dụng trong việc xác định các biện pháp phù hợp và hiệu quả nhất để nhanh chóng phục hồi sau thảm họa.
Hình 1: Mô phỏng dự đoán thiệt hại do động đất
Hình 2: Mô phỏng dự báo thiệt hại do lũ lụt
Nguồn tham khảo: https://global.weathernews.com/news/12680/
Biên dịch tin bài: Vũ Trọng Thành - Trung tâm Ứng dụng công nghệ khí tượng thủy văn
Vụ KHQT (Tổng Hợp)