Triển khai kế hoạch quan trắc môi trường quốc gia năm 2019 tại khu vực miền Nam

Đăng ngày: 06-03-2019 | Lượt xem: 1273
(TN&MT) - Ngày 5/3, tại TP. Cần Thơ, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch quan trắc môi trường quốc gia năm 2019 tại khu vực miền Nam. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo UBND và Sở TN&MT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã đến dự và chỉ đạo Hội

trac1

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị   

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Hoài Nam - Phụ trách, Điều hành Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường) cho biết, đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 800 điểm quan trắc môi trường tự động - quan trắc nước mặt, không khí, nước thải, khí thải. Ở một số địa phương, hoạt động quan trắc môi trường đã đi vào hoạt động bài bản, ổn định, phục vụ cho công tác quản lý và giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn.

Trong đó, các điểm quan trắc trên địa bàn của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL tập trung chủ yếu vào các sông chính, các "điểm nóng" về môi trường như: đô thị lớn, KCN, các vùng sinh thái đặc biệt nhạy cảm về môi trường. Một số địa phương đã đầu tư được các trạm quan trắc nước mặt, không khí tự động liên tục, đầu tư nâng cấp hạ tầng thông tin truyền dữ liệu, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường của các địa phương.

Tuy nhiên, việc đầu tư nguồn lực về tài chính, nhân lực cho công tác quan trắc môi trường vẫn còn hạn chế; mạng lưới các điểm quan trắc định kỳ và các trạm quan trắc tự động tại khu vực miền Nam được quy hoạch còn khá thưa. Một số địa phương chưa được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho hoạt động quản lý số liệu quan trắc tự động; chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin chung về quan trắc môi trường cho cả vùng ĐBSCL.

trac4

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Đào Anh Dũng và các đại biểu dự Hội nghị

Từ những khó khăn, thách thức trên; ông Lê Hoài Nam đề xuất Tổng cục Môi trường kiến nghị Bộ TN&MT triển khai thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin kết nối dự báo và cảnh báo môi trường vùng ĐBSCL…

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: Hiện nay, nước mặn đã xâm nhập vào đến Cần Thơ, do vậy trong thời gian tới, TP. Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ của Bộ TN&MT trong việc xây dựng trạm quan trắc, hỗ trợ phần mềm và kết nối với đường truyền dữ liệu của quốc gia để địa phương sớm dự báo, cảnh báo; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Trung tâm Quan trắc Môi trường.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Võ Tuấn Nhân ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác quan trắc môi trường của các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT và của các địa phương khu vực phía Nam nói riêng và của các địa phương trên cả nước nói chung thời gian qua là khá tốt. Tuy nhiên, trước thực tế đến thời điểm này, mới chỉ có 6/63 tỉnh, thành đấu nối đường truyền dữ liệu quan trắc về Bộ TN&MT là quá thấp.

trac3

Tổng cục Môi trường vừa mới khánh thành Trạm vùng tác động Tây Nam bộ, sẽ góp phần nâng cao năng lực quan trắc môi trường đối với các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2019, Tổng cục Môi trường phấn đấu hoàn thành việc đấu nối đường truyền dữ liệu quan trắc môi trường về Bộ TN&MT. Trong quá trình thực hiện có khó khăn thì Tổng cục Môi trường phải báo cáo về Bộ TN&MT, ngược lại nếu địa phương có khó khăn thì trao đổi để các cơ quan chức năng của Bộ hướng dẫn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng quan trắc dự báo môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các địa phương cần rà soát, kiến nghị xây dựng các điểm quan trắc tại các "điểm nóng", các điểm trọng tâm, nơi có dân cư đông đúc, nguồn xả thải lớn phải quan trắc thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, công tác quan trắc dự báo, cảnh báo môi trường phải là số một vì chỉ có dự báo tốt thì chúng ta mới phòng ngừa được ô nhiễm, ngược lại nếu không có dự báo tốt thì một sự cố môi trường xảy ra sẽ tốn bao nhiêu công sức, tiền của.

“Với hệ thống Trung tâm Quan trắc chân rết từ Trung ương đến địa phương, 3 Trung tâm Quan trắc vùng, nhiều Trạm Quan trắc ở các tỉnh, thành phố nên cần đấu nối lại để thống nhất cơ sở dữ liệu làm cơ sở xây dựng bản đồ hiện trạng môi trường quốc gia, từ đó chúng ta cảnh báo được từng ngày, từng giờ diễn biến những nơi có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: