Thiếu nước có thể ảnh hưởng đến 5 tỷ người vào năm 2050

Đăng ngày: 23-03-2018 | Lượt xem: 1406
(TN&MT) - Báo cáo của Ủy ban về Nước Liên Hợp Quốc tại Diễn đàn nước Thế giới Brasil 2018 cho hay, những xung đột, mâu thuẫn và các mối đe dọa có thể xảy ra trừ khi những hành động thực...
tnmt Thiếu nước có thể ảnh hưởng đến 5 tỷ người vào năm 2050

Thiếu nước có thể ảnh hưởng đến 5 tỷ người vào năm 2050

Ông Gilbert Houngbo - Chủ tịch  UN-Water cho biết, trước tình trạng tiêu dùng tăng nhanh đồng nghĩa với việc gia tăng suy thoái môi trường và các tác động đa chiều của biến đổi khí hậu, chúng ta rõ ràng cần những cách mới để quản lý nhu cầu cạnh tranh đối với các nguồn nước ngọt của chúng ta.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về tình trạng nước trên thế giới, hơn 5 tỷ người có thể bị thiếu nước vào năm 2050 do biến đổi khí hậu, nhu cầu gia tăng và nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm.

Theo báo cáo của UN-water tại Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ ba, thế giới sử dụng khoảng 4.600 km2 nước mỗi năm, trong đó 70% dùng cho nông nghiệp, 20% cho công nghiệp và 10% dùng ở các hộ gia đình. Trong 100 năm qua nhu cầu này đã tăng gấp 6 lần và tiếp tục tăng trưởng tăng trưởng ở mức 1% mỗi năm.

Đặc biệt nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng rất nhanh ở các nước đang phát triển. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay sẽ tăng thêm áp lực cho các nguồn cấp nước khi nhiều vùng khô hạn trên thế giới ngày càng khô hạn hơn, vùng ẩm ướt thì ngày càng ẩm ướt hơn. 

Các chuyên gia tài nguyên nước cũng cho rằng, hạn hán được cho là mối đe dọa lớn nhất do biến đổi khí hậu. Và thách thức ngày trở nên càng nghiêm trọng hơn trong tương lai. Thành phố Cape Town, nơi người dân phải đối mặt với những thiếu nước nghiêm trọng do hậu quả của hạn hán kéo dài 384 năm. Tại Brasília, Thủ đô của Brasil đồng thời chủ nhà của Diễn đàn nước thế giới năm nay, gần 2 triệu người bị ảnh hưởng do không được cấp nước trong năm ngày do sự  kéo dài bất thường của mùa khô. 

Báo cáo của UN-Water cũng dự đoán, đến năm 2050 sẽ có từ 4,8 đến 5,7 tỷ người sống trong những khu vực khan hiếm nước trong khoảng thời gian ít nhất một tháng mỗi năm (tăng 3,6 tỷ so với hiện nay). Trong khi đó, số người có nguy cơ phải đối mặt lũ lụt sẽ tăng lên 1,6 tỷ so với khoảng 1,2 tỉ hiện nay. 

Đới khí hậu khô từ Mexico, Tây Nam Mỹ, Trung Quốc, Australia và Nam Phi lượng mưa có xu hướng giảm xuống. Sự thiếu hụt nước do nguồn nước ngầm không được tái bổ sung từ mưa, một phần ba diện tích khu vực khô hạn này hiện đang gặp khó khăn lớn về nguồn nước. Cho dù những công trình chứa nước và nhiều đập nước được xây dựng tưởng chừng như là biện pháp có thể giải quyết được những khó khăn này, nhưng thực tế thì những công trình này có những hạn chế nhất định trong quá trình vận hành và sử dụng, như sự nứt vỡ, chảy tràn. 

Chất lượng nước cũng đang trở nên kém đi. Từ những năm 1990, ô nhiễm đã trở nên tồi tệ ở hầu hết các con sông ở Châu Phi, Châu Á và Mỹ Latinh và dự kiến sẽ gây thiệt hại thêm trong hai thập kỷ tới, nguyên nhân chủ yếu là do nông nghiệp khi phân bón và các hóa chất nông nghiệp khác thải ra nguồn nước. Nguồn nước bị tiếp nhận quá nhiều chất phú dưỡng dẫn đến sự phát triển  của mầm bệnh và tảo phú dưỡng. Ngành công nghiệp và đô thị hóa cũng là một nguồn gây ra ô nhiễm nguồn nước do nước thải từ công nghiệp và dân sinh. 

Kết quả nghiên cứu của Liên Hợp Quốc  trong năm 2017 cũng kêu gọi hành động "nông nghiệp bảo tồn", bằng cách sử dụng nước mưa nhiều hơn là sử dụng hệ thống thủy lợi để tưới tiêu và điều chỉnh luân canh để duy trì độ che phủ của đất. Đây cũng là một biên pháp để chống lại hiện tượng xói mòn và suy thoái đất, hiện đang ảnh hưởng đến một phần ba đất nông nghiệp của hành tinh. 

Các giải pháp bảo vệ nước dựa vào thiên nhiên có thể là thực hiện từ cá nhân, đơn vị riêng lẻ - chẳng hạn như xây dựng nhà vệ sinh khô - đến những biện pháp vĩ mô như thay đổi cảnh quan cơ cấu trong nông nghiệp. 

Báo cáo của UN-Water cũng đưa ra một số nghiên cứu trong các trường hợp cụ thể đã được thực hiện thể hiện những dấu hiệu tích cực cho thấy môi trường và nguồn cung cấp nước có thể cải thiện như thế nào khi thực hiện những biện pháp này và do thay đổi chính sách. 

Các tác giả của nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, mục tiêu không phải là thay thế toàn bộ cơ sở hạ tầng xám (grey infrastruture), do có những tình huống trường hợp mà không có sự lựa chọn nào khác tốt hơn, ví dụ như xây dựng hồ chứa để cung cấp nước cho các thành phố. Nhưng báo cáo cũng thúc giục các giải pháp xanh nên được thực hiện nhiều hơn, sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn, hiệu quả về chi phí cũng như bền vững hơn. 

Đồng thời báo cáo cũng khuyến khích sử dụng "trái phiếu xanh" (một hình thức tài trợ nhằm thưởng cho các khoản đầu tư bền vững dài hạn) và nhiều khoản ưu đãi cho các dịch vụ hệ sinh thái (hỗ trợ tài chính cho các cộng đồng bảo tồn rừng, sông ngòi và đất ngập nước có ích cho môi trường và xã hội). 

Bà Audrey Azoulay - Tổng giám đốc của Unesco cũng đưa ra trong báo cáo của mình về số liệu ghi nhận 2/3 diện tích rừng và đất ngập nước trên thế giới đã bị mất từ đầu thế kỷ 20, và xu hướng này ngày càng trở nên nghiêm trọng và cần được giải quyết. Bà cũng cho biết, sự khan hiếm nước có thể dẫn đến tình trạng bất ổn dân cư, di cư hàng loạt và ngay cả xung đột trong nội địa và giữa các quốc gia có chung quyền lợi. Do vậy, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước của hành tinh là điều quan trọng để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng lâu dài. 

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: